Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn

Thứ hai, 25/04/2016
Cồn Thoi, Kim Tân, Kim Mỹ, Kim Hải, Kim Trung, Kim Đông (huyện Kim Sơn) là 6/311 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo của nước ta giai đoạn 2013-2015 được Thủ tướng Chính phủ công nhận tại Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 01/4/2013. Là các xã đặc biệt khó khăn, thời gian qua có nhiều chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, nhiều chính sách hỗ trợ đời sống người dân được tổ chức thực hiện nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng này.
Về lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, các xã được ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của Chính phủ. Hàng năm, ngân sách trung ương hỗ trợ vốn đầu tư cho các xã 1 tỷ đồng/xã/năm. Nhiều công trình xây dựng được triển khai thực hiện trên địa bàn các xã như các dự án làm đường giao thông đến trung tâm xã, nạo vét hệ thống kênh mương, xây dựng nhà máy nước cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho nhân dân trong vùng... Ngoài ra, còn có các nguồn vốn hỗ trợ khác từ ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, nguồn tài trợ đầu tư từ các tổ chức kinh tế. Tổng vốn hỗ trợ đầu tư cho các công trình xã làm chủ đầu tư từ năm 2012 đến năm 2015 đối với xã Kim Hải là 10,8 tỷ đồng; Kim Mỹ là 7,6 tỷ đồng.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng này, các chính sách theo Nghị định 116/2010/N Đ-CP ngày 24/12/2010 được thực hiện từ năm 2011 với mức phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng cùng với các chính sách khác được áp dụng như: phụ cấp công tác lâu năm, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng… Số tiền chi trả cho chính sách này đối với cán bộ, công chức cấp xã và viên chức trong các nhà trường ở 3 xã Kim Mỹ, Kim Tân, Kim Hải từ năm 2012 đến năm 2015 lên tới gần 43 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách phụ cấp thực sự đã cải thiện đáng kể những khó khăn trong đời sống của cán bộ, công chức, viên chức công tác trong vùng.
Ngoài chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức chính trị - xã hội cũng được quan tâm hỗ trợ kinh phí. Các chi hội thuộc các tổ chức chính trị - xã hội của 6 xã được hỗ trợ kinh phí hoạt động với mức 1,6 triệu đồng/chi hội/năm cho năm 2012 và mức 1 triệu đồng/chi hội/năm cho các năm từ năm 2013 đến năm 2015.
Đối với học sinh, sinh viên có cha mẹ thường trú tại vùng được hỗ trợ chi phí học tập với mức 70.000 đồng/học sinh/ tháng  theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 của Chính phủ. Đây là một khoản hỗ trợ có ý nghĩa lớn giúp các em học sinh, sinh viên giảm bớt khó khăn về chi phí học tập với số tiền hỗ trợ đã đã chi trả tại 6 xã từ năm 2011 đến năm 2013 là 15,8 tỷ đồng.
Về các chương trình giảm nghèo, cũng như các xã khác trên địa bàn huyện, nhiều chương trình giảm nghèo đã được triển khai tổ chức trên địa bàn vùng bãi ngang ven biển. Đối với các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế và đời sống có các chương trình vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách; hỗ trợ bê giống từ tập đoàn Vingroup; hỗ trợ người nghèo sử dụng điện; hỗ trợ gạo, quà tết, hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội; các chương trình hỗ trợ người nghèo về nhà ở như xóa nhà tranh tre, xây nhà hộ nghèo. Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo có các chương trình áp dụng cho học sinh, sinh viên có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo như chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh mầm non, chương trình cho học sinh, sinh viên vay vốn…
Ngoài ra, người dân nghèo ở khu vực này còn được hưởng các chính sách đặc thù như chính sách hỗ trợ  trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTCP ngày 07/8/2009 nhằm mục tiêu hỗ trợ đời sống người dân, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng khó khăn với mức hỗ trợ 80.000 đồng/người/năm.
Các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, các chính sách xã hội đặc thù được thực hiện ở vùng bãi ngang ven biển đã giúp nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu, kinh tế - xã hội có bước phát triển đáng kể, mức sống của người đân được nâng lên. Mặc dù vậy, các xã trong vùng vẫn còn có nhiều khó khăn như tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao, hệ thống đường giao thông đã xuống cấp, nhiều công trình đầu tư xây dựng cấp trên làm chủ đầu tư đang thi công dở dang, nợ đầu tư xây dựng cơ bản của các công trình do cấp xã làm chủ đầu tư lớn, việc tạo nguồn ngân sách xã để trả nợ còn nhiều khó khăn.
Để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống người dân, các xã vùng bãi ngang ven biển huyện Kim Sơn tiếp tục cần cơ chế ưu tiên hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn Chính phủ, vốn ngân sách tỉnh cũng như các chương trình giảm nghèo khác cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục tiêu các chương trình hỗ trợ để người dân sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí hỗ trợ cũng như các chương trình giảm nghèo./.
 
Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661