
Tiếp tục chương trình tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 12/5/2025, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ thảo luận về 4 nội dung: về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 và 3 Dự án luật. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng. Đồng chí Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình chủ trì buổi thảo luận.
Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận
Theo chương trình làm việc, các ĐBQH thảo luận về: Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại thảo luận Tổ
Cho ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh tán thành với sự cần thiết và tính cấp bách của việc ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, trong dự thảo Luật có nhiều lần nhắc tới dữ liệu cá nhân nhạy cảm và Điều 50 có quy định biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại không định nghĩa hoặc phân loại cụ thể đâu là dữ liệu cá nhân nhạy cảm, điều này sẽ dẫn đến vướng mắc trong thực tiễn. Do vậy, đề nghị cần bổ sung một khoản riêng trong Điều 2 giải thích từ ngữ “dữ liệu cá nhân nhạy cảm”.
Tại Điều 8 dự thảo Luật đã quy định khá toàn diện về các quyền mà mỗi cá nhân chúng ta được hưởng đối với dữ liệu cá nhân của chính mình, như quyền được biết, quyền đồng ý, đến quyền truy cập, chỉnh sửa, rút lại sự đồng ý, xóa dữ liệu, hạn chế xử lý, cung cấp dữ liệu, phản đối, khiếu nại, tố cáo, yêu cầu bồi thường và tự bảo vệ, tất cả đều thể hiện sự tôn trọng sâu sắc đối với quyền tự chủ thông tin của mỗi người. Song, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển với tốc độ vũ bão, để bảo vệ chủ thể dữ liệu một cách toàn diện hơn, cần cân nhắc bổ sung quyền không bị phân biệt đối xử dựa trên việc thực hiện các quyền của mình theo dự thảo Luật này.
Liên quan đến nghĩa vụ của chủ thể xử lý dữ liệu, dự thảo Luật đã quy định các nghĩa vụ cơ bản như tôn trọng dữ liệu, cung cấp thông tin chính xác và tuân thủ pháp luật. Để tăng cường hơn nữa trách nhiệm của chủ thể dữ liệu, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung nghĩa vụ cập nhật dữ liệu kịp thời. Theo đó, chủ thể dữ liệu cần có trách nhiệm thông báo cho bên kiểm soát khi có bất kỳ sự thay đổi nào về dữ liệu cá nhân đã cung cấp, bảo đảm tính chính xác và cập nhật của thông tin.
Đề cập đến quyền rút lại sự đồng ý của chủ thể dữ liệu được quy định tại Điều 11 dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: đây là một quyền năng quan trọng, cho phép cá nhân thay đổi quyết định của mình. Luật khẳng định việc rút lại sự đồng ý không ảnh hưởng đến tính hợp pháp của các hoạt động xử lý đã được thực hiện trước đó. Hình thức rút lại cũng được quy định tương tự như hình thức đưa ra sự đồng ý, tạo sự thuận tiện cho người dân. Đặc biệt, nghĩa vụ thông báo về những hậu quả có thể xảy ra khi rút lại sự đồng ý giúp chủ thể dữ liệu cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc bổ sung quy định cụ thể tối đa là bao nhiêu thời gian để các bên liên quan phải thực hiện việc ngừng xử lý dữ liệu sau khi nhận được yêu cầu rút lại sự đồng ý, nhằm bảo đảm quyền của chủ thể dữ liệu được thực thi một cách kịp thời.
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại thảo luận Tổ
Cùng tham gia thảo luận tại Tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tán thành với việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, nhằm kịp thời kiện toàn nhân sự cấp cao, thực hiện việc phân công cấp ủy viên khóa mới đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, ổn định liên tục, liên thông đội ngũ cán bộ chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời, cấp ủy các cấp nhiệm kỳ mới kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV và Đại hội Đảng các cấp.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu tán thành sự cần thiết và nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về khoản 5 điều 1, sửa đổi bổ sung khoản 4, điều 11 dự án Luật.
Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng Công tác Quốc hội
Đang truy cập: 18
Hôm nay: 615
Tổng lượt truy cập: 522853