
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều ngày 15/5/2025, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở Tổ về: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Ảnh: Quang cảnh thảo luận Tổ
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng.
Ảnh: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại thảo luận Tổ
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao việc cần thiết ban hành Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Quan tâm đến chế độ chính sách của Nhà nước đối với lực lượng gìn giữ hòa bình, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại Điều 7 và Điều 25 dự thảo cần bổ sung nội dung quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm an toàn và hỗ trợ lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở nước ngoài, trong trường hợp xảy ra tình huống khẩn cấp hoặc xung đột, bao gồm cả việc sơ tán và hồi hương. Còn về nghĩa vụ và trách nhiệm tại Điều 14 dự thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung nội dung khuyến khích lực lượng Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình tích cực thực hiện các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại địa bàn, phù hợp với văn hóa và pháp luật nước sở tại, như: hướng dẫn sản xuất, phổ biến kiến thức vệ sinh, y tế, giáo dục kỹ năng sống. Những hoạt động này không chỉ mang ý nghĩa nhân đạo mà còn là hình thức ngoại giao nhân dân hiệu quả, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam.
Về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát lại phạm vi điều chỉnh, nội dung và đối tượng của nghị quyết nhằm bảo đảm tính khả thi cao hơn. Đồng thời, thiết kế cụ thể hơn các cơ chế, chính sách để Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ có cơ sở cụ thể hóa, như: quy định về mức hỗ trợ, trợ cấp cho các đối tượng tham gia quá trình xây dựng pháp luật.
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại thảo luận Tổ
Cùng tham gia góp ý về dự thảo, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với mục tiêu xây dựng Nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Bộ Chính trị nêu tại Nghị quyết 68, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đào tạo nguồn nhân lực, mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tiên phong, vươn tầm quốc tế nhằm tạo "cú hích, đòn bẩy, điểm tựa" tạo động lực mới, giải phóng nguồn lực, sức sản xuất của kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, một số cơ chế, chính sách trong Dự thảo Nghị quyết vẫn còn chung chung, chưa thực sự đột phá. Góp ý về vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh, đại biểu cho rằng hiện nay dự thảo vẫn chưa có cơ chế chính sách đặc thù để, đột phá cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đại biểu đề nghị cần rà soát lại thực trạng hiện nay các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và các hộ kinh doanh đang gặp khó khăn ở đâu, trên cơ sở đó có những cơ chế chính sách vượt trội để giúp thúc đẩy cho kinh tế tư nhân phát triển.
Ảnh: Đại biểu Mai Khanh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Kim Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu tại thảo luận Tổ
Tham gia góp ý thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Mai Khanh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Kim Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) cho rằng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng các điều khoản, nội hàm các quy định, bảo đảm chặt chẽ, hợp pháp. Theo đại biểu, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân nhằm thể chế hoá chủ trương, đường lối Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân”. Tuy nhiên, cần cân nhắc các quy định liên quan đến các ưu đãi lựa chọn nhà thầu, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể vào các khoản 2, khoản 3, điều 5 của dự thảo Nghị quyết.
Trước đó tại phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng Công tác Quốc hội
Đang truy cập: 16
Hôm nay: 733
Tổng lượt truy cập: 522971