Main
Thứ sáu, ngày 09/05/2025

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV: Thảo luận Tổ về một số Dự án luật, dự thảo Nghị quyết

Thứ năm, 08/05/2025

Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 07/5/2025, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và 2 dự án luật: Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).

Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận Tổ

Đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng chủ trì buổi thảo luận.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm nhằm hoàn thiện Dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)…. Theo đó, các đại biểu đề nghị cần có tiêu chí rõ ràng, minh bạch trong việc đánh giá công chức; mở rộng đối tượng ủy quyền; phân quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định đối với cấp xã…  

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi thảo luận Tổ

Góp ý về Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị, tại Điều 9 cần bổ sung nội dung về việc Quốc hội quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính cấp tỉnh và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt để đảm bảo tính thống nhất với Khoản 1, Điều 3 của  dự thảo Luật.

Cho ý kiến về các nội dung liên quan đến Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà đã phát biểu làm rõ các nội dung liên quan đến vấn đề giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị -xã hội và các tổ chức xã hội khác (Khoản 3, Điều 9).

Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại buổi thảo luận Tổ

Đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi toàn diện luật lần này, phạm vi sửa đổi bảo đảm phù hợp với các nội dung dự kiến sẽ sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013, cũng như thể chế hóa những định hướng, yêu cầu về tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh và không tổ chức mô hình chính huyền cấp huyện, tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại những quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật nói chung, cũng như đảm bảo tính phù hợp với các quy định trong chính dự án luật.

Theo đại biểu, hiện một số nội dung quy định trong dự thảo Luật chưa đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Cụ thể: tại khoản 10, Điều 17 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Trong đó có quy định: Chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ ban hành quy chế quản lý kiến trúc, cảnh quan đô thị tại địa phương, chỉ đạo và chỉ trách nhiệm quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên thì tại khoản 4, Điều 14 của Luật Kiến trúc năm 2019 thì có quy định: UBND cấp tỉnh xây dựng quy chế quản lý kiến trúc và trình HĐND cùng cấp thông qua trước khi ban hành. Đối với quy chế quản lý kiến trúc của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại 1 là thành phố trực thuộc trung ương thì phải có ý kiến thống nhất của Bộ xây dựng. Do vậy đề nghị cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất giữa quy định của dự án luật với các quy định của các pháp luật hiện hành.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần rà soát lại và xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND cấp tỉnh, cấp xã quy định tại điểm C, Khoản 2, Điều 15 và điểm C khoản 2 Điều 21 đảm bảo chính thống nhất với quy định tại Khoản 4, Điều 10.

Trước đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe báo cáo, Tờ trình về: dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương; dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng CTQH

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 607

Tổng lượt truy cập: 514003