Tại phiên chất vấn, đồng chí Đinh Chung Phụng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và 9 lãnh đạo các sở, ngành: Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; BQL các Khu Công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Công thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Giao thông Vận tải; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; sở Tài Chính đã trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan được đại biểu, cử tri trong tỉnh quan tâm.
Mở đầu phiên chất vấn, đồng chí Đinh Chung Phụng - TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã trả lời 14 câu hỏi, tập trung vào các vấn đề: giáo dục; nước sạch ở nông thôn, công tác GPMB ở thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất thực hiện dự án khu cây xanh, lòng hồ Công viên văn hóa Tràng An; trách nhiệm và giải pháp của UBND tỉnh để giải quyết tình trạng nợ đọng trong xây dựng cơ bản…
Đại biểu Hoàng Minh Dần, tổ đại biểu HĐND huyện Kim Sơn đã đề nghị UBND tỉnh cho biết giải pháp giải quyết tình trạng 10 trường học được xây dựng theo Đề án số 23/ĐA-UBND ngày 06/10/2008 của UBND tỉnh về kiên cố hóa trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện vẫn còn dang dở, gây lãng phí, bức xúc trong nhân dân.
Trả lời câu hỏi trên của đại biểu Hoàng Minh Dần, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án số 23/ĐA-UBND, trong giai đoạn 2008-2012, toàn tỉnh tập trung đầu tư xây dựng lại 905 phòng học, chiếm 56% tổng số phòng học cần xây dựng lại cả giai đoạn. Đề án kết thúc vào năm 2012, tổng số vốn TPCP được trung ương bố trí là 139.403 triệu đồng, đạt 45% Kế hoạch so với tổng nhu cầu là 309.316 triệu đồng, còn 704 phòng học, chiếm 44% chưa được đầu tư xây dựng vì không còn kinh phí, trong đó có các trường của huyện Kim Sơn.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng lưu ý, theo quy định, việc thực hiện đầu tư xây dựng trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Mầm non thuộc trách nhiệm của UBND cấp huyện, thành phố. UBND tỉnh sẽ chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các xã phường, thị trấn tập trung cân đối nguồn lực để đầu tư hoàn thiện số phòng học trên trong giai đoạn 2017 -2021 để đưa vào sử dụng tránh lãng phí. Tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí khi khả năng ngân sách cho phép.
Đối với nội dung: các giải pháp xử lý tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản theo tinh thần Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng XDCB từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đến nay, nợ xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh đã giảm so với thời điểm 31/12/2014.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, trong phương án phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, đã đảm bảo thanh toán 100% nợ xây dựng cơ bản của các công trình, dự án thuộc đối tượng, phạm vi quy định tại Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh, trong kế hoạch năm 2016, dự kiến kế hoạch năm 2017 đã tập trung vốn cao để thanh toán nợ xây dựng cơ bản (khoảng 70% tổng nguồn vốn cân đối).
Riêng một số dự án có mức nợ xây dựng cơ bản lớn, trong kế hoạch năm 2017 và các năm tiếp theo không đảm bảo cân đối thì tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất theo cơ chế đặc thù tạo nguồn kinh phí thực hiện các Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Dự kiến trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh sẽ cơ bản đảm bảo thanh toán nợ xây dựng cơ bản.
Giải trình chất vấn về tình trạng hiện nay nhiều nhà văn hóa thôn đã làm xong và đưa vào sử dụng, song địa phương chưa nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, ông Trần Song Tùng, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc thông qua Đề án xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình năm 2011-2015, định hướng đến năm 2020, thì hàng năm căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách tỉnh, Sở Tài chính đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh bố trí dự toán kinh phí để thực hiện Đề án xây dựng NTM từ 70 tỷ đồng đến 80 tỷ đồng/năm, số kinh phí này chưa đáp ứng được hết nhu cầu kinh phí theo Đề án.
Theo số liệu thống kê đến hết năm 2016, nhu cầu kinh phí để hỗ trợ xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà văn hóa thôn ngân sách tỉnh chưa hỗ trợ theo Đề án là 17,97 tỷ đồng.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, Sở Tài chính đã phối hợp với Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh và các sở, ngành có liên quan bố trí dự toán năm 2017 để giải quyết dứt điểm số tiền mà ngân sách tỉnh phải hỗ trợ để xây dựng, cải tạo nhà văn hóa thôn từ năm 2016 trở về trước.
Trong phiên chất vấn đã có 28 ý kiến chất vấn UBND tỉnh, các sở, ban, ngành được các đại biểu gửi bằng văn bản và 9 ý kiến chất vấn trực tiếp tại hội trường. Ngoài ra, HĐND tỉnh cũng đã yêu cầu lãnh đạo UBND huyện Gia Viễn giải trình làm rõ một số nội dung thuộc thẩm quyền.
Kết luận phiên chất vấn, đồng chí Trần Hồng Quảng - TVTU, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp khẳng định: việc trả lời chất vấn của UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành đã đối thoại thẳng, nghiêm túc và trách nhiệm. Tuy nhiên một số nội dung mà cử tri bức xúc, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn nhiều lần qua các kỳ họp HĐND tỉnh vẫn chưa đạt được kết quả rõ nét, hiệu quả còn hạn chế, chưa nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh yêu cầu: UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục có những giải pháp tích cực để thực hiện có hiệu quả các nội dung đã cam kết khi trả lời chất vấn tại kỳ họp này cũng như các kỳ họp trước và báo cáo HĐND tỉnh vào kỳ họp thường lệ giữa năm 2017.