Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Lãnh đạo Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh dự Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

Thứ sáu, 05/07/2019
Ngày 01/7/2019, đồng chí Dương Viết Yên, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh dự Hội nghị góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tổ chức tại thành phố Thanh Hóa. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội; Bộ Lao động TB&XH; đại diện: Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND, Sở Lao động TB&XH, Liên đoàn Lao động các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và một số các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Dự và phát biểu chào mừng tại hội nghị có đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) gồm 17 chương, 221 điều, giảm 21 điều so với hiện hành (Luật Lao động năm 2012 gồm 17 chương và 242 điều); sửa đổi, bổ sung khoảng 170 điều trong tất cả các chương. Hội nghị đã được nghe 7 tham luận của các tổ chức, chuyên gia, nhà nghiên cứu về đánh giá sự tương thích của dự thảo Bộ Luật Lao động với các tiêu chuẩn lao động quốc tế; những vấn đề cần quan tâm về tổ chức đại diện của người lao động; cơ chế giải quyết tranh chấp lao động và đình công; những vấn đề cần quan tâm trong quy định về hợp đồng lao động…Để làm rõ các báo cáo tham luận, một số đại biểu đi sâu thảo luận từng nội dung cụ thể. Nhiều đại biểu đồng nhất ý kiến cho rằng không nhầm lẫn giữa mức lương và tiền lương, khi trả công cho người lao động gọi là tiền lương; tuổi nghỉ hưu phải nghiên cứu về khả năng suy giảm sức lao động để có căn cứ ban hành Luật, không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với lao động phổ thông; phải lựa chọn đối tượng để quy định tuổi nghỉ hưu; ban hành Luật Lao động phải đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người lao động. Có ý kiến đề nghị giảm giờ làm xuống 44h/tuần là hợp lý… Các ý kiến tham gia đều được cơ quan chủ trì lấy ý kiến trao đổi trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ.
Kết luận hội nghị, đồng chí Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cảm ơn các ý kiến quý báu, tâm huyết của các đại biểu, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đồng chí yêu cầu Đoàn ĐBQH các tỉnh sau hội nghị này phải tổ chức lấy ý kiến vào Bộ Luật Lao động (sửa đổi) tại địa phương, trên cơ sở đó tổng hợp gửi Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo theo thẩm quyền.
 
 
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hằng - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661