Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm Ninh Bình

Thứ sáu, 08/03/2019
Mặc dù rất bận rộn với biết bao công việc, Bác Hồ vẫn giành nhiều thời gian đi thăm, động viên và làm việc cụ thể với chính quyền địa phương các tỉnh, với bà con nông dân, với cán bộ, công nhân. Trong khoảng 15 năm từ tháng 1-1946 đến tháng 7-1960, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình vinh dự và tự hào đã 5 lần được đón Bác Hồ về thăm.
Vụ Đông Xuân 1958-1959, tình hình sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình gặp nhiều khó khăn do tình trạng khô hạn kéo dài, đặc biệt diễn ra tại các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân nỗ lực chống hạn, đảm bảo phát triển sản xuất vụ Đông Xuân thắng lợi. Để khích lệ, động viên nhân dân Ninh Bình tích cực chống hạn, cứu lúa, sáng ngày 15-3-1959, tại xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh, giữa lúc nhân dân cùng bộ đội đang đào ngòi Chùa Cao để lấy nước từ sông Đáy dẫn vào cánh đồng Chằm, Bác đã xắn quần, lội xuống cánh đồng Chằm. Bác ân cần thăm hỏi, động viên, khích lệ, khen ngợi đồng bào và bộ đội rất anh dũng chống hạn cứu lúa, đồng thời căn dặn đồng bào "cố gắng làm thủy lợi để cứu lấy hàng vạn mẫu lúa và cày hết số diện tích còn lại". Nhân dân vô cùng vui mừng và xúc động vì được tận mắt nhìn thấy Bác, được gặp Bác, mà đã từ bao lâu hằng ước mong, chờ đợi. Trước khi tạm biệt đồng bào, Bác trao cho đồng chí lãnh đạo xã Khánh Cư 5 chiếc Huy hiệu của Người để thưởng cho những cá nhân có thành tích chống hạn xuất sắc.
Cũng ngày hôm đó, Bác có buổi nói chuyện với hơn 2000 đại biểu và nhân dân thị xã Ninh Bình, Bác căn dặn: “Toàn thể đảng viên, đoàn viên, thanh niên phải gương mẫu, tất cả các hợp tác xã và tổ đổi công phải gương mẫu làm đầu tầu, giúp đỡ những người còn làm ăn riêng lẻ. Nhân dân ta đã anh dũng trong kháng chiến, cần phải anh dũng trong sản xuất. Chúng ta phải thắng thiên tai, hạn hán, bão lụt … để sản xuất ngày càng được nhiều, đem lại hạnh phúc cho nhân dân, đưa nước nhà dần tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Thực hiện lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, nhân dân Ninh Bình đã nỗ lực chống hạn và làm thủy lợi, ngay trong năm 1959, tỉnh Ninh Bình đã căn bản không còn hạn hán, hoàn thành khối lượng đắp đê sớm nhất Miền Bắc và được Chính phủ tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hàng chục xã được Chính phủ, Bộ thủy lợi tặng Bằng khen, Cờ thi đua, 37 cá nhân được Hồ Chủ tịch thưởng Huy hiệu của Người.
Thực hiện lời dạy của Bác, 60 năm qua, Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình  luôn đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thử thách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển tích cực. Qua hơn nửa nhiệm kỳ (2015-2020) thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, kinh tế phát triển khá toàn diện, tốc độ tăng GRDP (theo giá SS 2010) giai đoạn 2016-2018 bình quân đạt 8,21%/năm (mục tiêu Đại hội là 8,0%); cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; GRDP bình quân đầu người (giá HH) năm 2018 đạt 61,6 triệu đồng; thu ngân sách trên địa bàn năm 2018 đạt 14500 tỷ đồng, vượt mục tiêu đại hội đề ra.
Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã luôn quan tâm, chú trọng ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển một nền nông nghiệp theo chiều sâu, một trong những chính sách phát huy hiệu quả phải kể đến là chính sách phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh. Ninh Bình đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp từ năm 2015, đây được xem là bước đột phá trong phát triển nông nghiệp chiều sâu của tỉnh. Cơ cấu nền nông nghiệp được chuyển mạnh từ sản lượng sang chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng cao, những giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương được đưa vào sản xuất. Theo đánh giá của đồng chí Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN và PTNT cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành các mô hình tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích trên 600ha; giá trị trên ha canh tác đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm trở lên; toàn tỉnh đã triển khai trên 140 mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững đem lại hiệu quả kinh tế rõ nét. Hệ thống thủy lợi, đê điều tiếp tục được đầu tư phát triển theo hướng đa mục tiêu và tăng cường năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Hơn nữa, tỉnh cũng rất quan tâm việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao và trồng cây vụ đông có giá trị, thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với tổ chức lại đồng ruộng, thực hiện cánh đồng mẫu lớn...Nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng lên. Ninh Bình được cho là 1 trong 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện (từ năm 2011), đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 90/119 xã về đích nông thôn mới, 2 huyện về đích nông thôn mới (Yên Khánh, Hoa Lư), thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ nông thôn mới.
Theo đánh giá sơ kết nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XXI cho thấy: Tốc độ tăng trưởng GTSX nông, lâm, thủy sản (theo giá SS 2010) bình quân giai đoạn 2016 - 2018 đạt 1,77%. Giá trị sản xuất/ha đất canh tác liên tục tăng, năm 2016 đạt 108 triệu đồng, năm 2017 đạt 112 triệu đồng, năm 2018 đạt 120 triệu đồng. Nuôi trồng thủy hải sản tiếp tục phát triển cả về quy mô và mức độ ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất; diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2018 đạt 13,09 nghìn ha; sản lượng đạt 50,5 nghìn tấn, tăng 6,2% so với năm 2017. Như vậy, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu không chỉ đem lại hiệu quả cao trong sản xuất mà còn góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, làm thay đổi bộ mặt nông thôn.
Ninh Bình vinh dự được 5 lần đón Bác về thăm và làm việc. Tình cảm của Người, tư tưởng của Người luôn khắc ghi trong tiềm thức, trong tâm khảm, trong trí nhớ và trong trái tim của bao thế hệ cán bộ, nhân dân Ninh Bình, trở thành động lực lớn lao trên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Biết ơn Bác, Đảng bộ và nhân dân Ninh Bình càng ra sức học tập và làm theo lời Bác. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã xây dựng các công trình tưởng niệm, tri ân, ghi nhớ công ơn vị lãnh tụ kính yêu: Hồ Chí Minh.
Ngày cuối tháng 02/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị triển khai chủ đề công tác năm 2019 “Nêu gương về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ; xây dựng phong cách công tác quần chúng, dân chủ, tôn trọng nhân dân; chăm lo đời sống nhân dân; nói đi đôi với làm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu”, phát động thi đua kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 60 năm Bác Hồ về thăm Ninh Bình, dự kiến tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm kỷ niệm các sự kiện quan trọng này./.
 

Tác giả bài viết: Trần Thị Thùy Dương

Nguồn: Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661