Chiều ngày 29/10/2024, tại Nhà Quốc hội, Ban Công tác đại biểu khai mạc Hội thảo "Lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội" với 02 nội dung: Góp ý vào dự thảo Nghị quyết ban hành quy chế làm việc mẫu của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và đồng chí Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu đồng chủ trì Hội thảo; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đại diện lãnh đạo các Ban HĐND một số địa phương.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu tại hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, Hội thảo là hoạt động rất quan trọng và ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm, tinh thần trách nhiệm và mong muốn nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật và quản lý nhà nước tại địa phương. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Do đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Quy chế làm việc mẫu của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp một cách khoa học, cụ thể, phù hợp với thực tiễn là rất cần thiết.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho biết, Ban Công tác đại biểu - cơ quan thường trực Ban Soạn thảo đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng dự thảo Nghị quyết; Tờ trình; Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về thực hiện Quy chế làm việc HĐND, Thường trực HĐND; Báo cáo đánh giá tác động và Báo cáo rà soát các văn bản pháp luật có liên quan đến nội dung dự thảo nghị quyết. Dự thảo Nghị quyết được thiết kế gồm có 7 chương, 87 điều.
Ảnh: Đại biểu HĐND các tỉnh, thành phố tham dự hội thảo
Thảo luận tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND địa phương bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, thống nhất và khoa học, việc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy chế làm việc mẫu của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết, qua đó tạo cơ sở pháp lý để HĐND các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước; đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đã tập trung cho ý kiến về quy định phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, chế độ, hình thức làm việc, quan hệ công tác, quy trình, trách nhiệm giải quyết công việc của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân; trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy viên Thường trực là Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tiếp tục phiên làm việc sáng ngày 30/10/2024, Hội thảo tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đai biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên cho biết, sau khi tích hợp, dự thảo Nghị quyết gồm 7 chương, 59 điều. Về cơ bản, nội dung dự thảo Nghị quyết sau khi được tích hợp đã được tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Việc tích hợp những nội dung áp dụng đối với hai chủ thể là đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân sẽ được quy định chung tại một điều. Đối với những nội dung mang tính đặc thù của từng chủ thể như liên quan đến chức năng, nhiệm vụ cơ cấu tổ chức, bộ máy tham mưu phục vụ, điều kiện cơ sở vật chất… sẽ được quy định tại điều riêng trong dự thảo nghị quyết.
Các đại biểu đã tích cực tham gia thảo luận, góp ý và đánh giá Nghị quyết đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử. Ngoài hoạt động tiếp xúc cử tri, Nghị quyết còn liên quan đến việc tổng hợp kiến nghị cử tri; trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị cử tri và trách nhiệm đối với kiến nghị cử tri; việc giám sát giải quyết kiến nghị của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và Hội đồng nhân dân các cấp.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao những góp ý của các đại biểu; nêu rõ ý kiến trao đổi và kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn của các đại biểu tại Hội thảo sẽ là những kinh nghiệm quý báu có tính cơ sở thực tiễn cao giúp Ban Công tác đại biểu có thêm căn cứ vững chắc trong việc hoàn thiện hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian tới./.
Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng CTQH
Đang truy cập: 11
Hôm nay: 62
Tổng lượt truy cập: 435289