Sáng ngày 09/10/2024, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã tổ chức Hội thảo khoa học về thực trạng, giải pháp hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND cấp xã, cấp huyện tỉnh Ninh Bình. Đồng chí Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Chủ nhiệm đề tài chủ trì Hội thảo.
Ảnh: Quang cảnh hội nghị
Dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Toàn Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ; đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH & HĐND tỉnh; đại biểu lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN một số huyện, thành phố; đại biểu lãnh đạo chuyên trách các Ban HĐND các huyện, thành phố; thư ký giúp việc Tổ đại biểu HĐND tỉnh tại các huyện, thành phố; đại biểu lãnh đạo HĐND một số xã, phường, thị trấn; Trưởng, phó và chuyên viên các phòng thuộc Văn phòng.
Ảnh: Đồng chí Phạm Hồng Thái, Ủy viên TT, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh phát biểu tại hội thảo
Theo báo cáo đề dẫn hội thảo, tiếp xúc cử tri là một sinh hoạt chính trị - xã hội, thực hiện càng tốt càng góp phần mở rộng và phát huy dân chủ ở cơ sở. Về mặt thực tiễn, những năm gần đây, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình có những chuyển biến tích cực, chất lượng và hiệu quả được nâng lên một bước, việc trả lời và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được chú trọng, bước đầu đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Bên cạnh kết quả đạt được, thực tế hoạt động TXCT của đại biểu HĐND các cấp vẫn còn có những hạn chế về hình thức tổ chức; thành phần tham dự; công tác tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị cử tri; việc theo dõi, giám sát, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri…Vì vậy, việc nghiên cứu về mặt lý luận cũng như thực tiễn về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình trong điều kiện đổi mới hoạt động của HĐND và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết. Trên cơ sở đó làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp tỉnh Ninh Bình, tạo điều kiện để đại biểu HĐND thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo niềm tin của nhân dân với HĐND và bộ máy nhà nước.
Ảnh: Các đại biểu phát biểu tại hội thảo
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức hoạt động TXCT của đại biểu HĐND tại địa phương. Trên cơ sở phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, các đại biểu dự hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri và giải quyết kiến nghị của cử tri như: Giải pháp về con người, các đại biểu đề xuất cần làm tốt khâu lựa chọn để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND tỉnh, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, tăng cường bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đại biểu HĐND. Xây dựng kế hoạch khoa học, làm tốt khâu chuẩn bị, bố trí lịch cho các đại biểu tiếp xúc, làm việc với các địa phương sau khi tiếp xúc cử tri. Tăng cường phối hợp giữa Thường trực HĐND với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và chính quyền địa phương trong tiếp xúc cử tri; bố trí đầy đủ các thành phần tham gia cuộc tiếp xúc cử tri. Tăng cường công tác giám sát của Thường trực HĐND đối với các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền về trách nhiệm giải quyết. Theo dõi và giám sát chặt chẽ kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri của các cơ quan, đơn vị, nhất là việc thực hiện lời hứa của lãnh đạo các ngành, cơ quan, đơn vị.
Ngoài ra, các đại biểu tham gia ý kiến vào 2 dự thảo Báo cáo chuyên đề về thực trạng hoạt động TXCT của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lê Thu Hà, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, Chủ nhiệm đề tài cảm ơn các ý kiến, chia sẻ tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu. Đồng chí cho biết, những ý kiến, kiến nghị thuộc khuôn khổ đề tài sẽ được Ban đề tài tiếp thu tối đa; đối với những ý kiến ngoài khuôn khổ đề tài, Ban đề tài sẽ có văn bản gửi đến các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét giải quyết.
Tác giả bài viết: Phòng TTDN
Đang truy cập: 55
Hôm nay: 406
Tổng lượt truy cập: 435633