Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Hội nghị tổng duyệt nội dung phiên giải trình Tháng 8/2018 của Thường trực HĐND tỉnh

Thứ tư, 29/08/2018
Sáng ngày 27/8, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng duyệt nội dung phiên giải trình tháng 8/2018. Đồng chí Đinh Ngọc Hà – TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có các đồng chí: Bùi Mai Hoa - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo TU, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh; lãnh đạo, thành viên các Ban Văn hóa – Xã hội, Pháp chế, Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo, chuyên viên Văn phòng HĐND tỉnh.
Thực hiện kế hoạch số 06/KH-TTHĐ ngày 07/8/2018 của TT HĐND tỉnh về tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, trong các ngày từ 20-24/8/2018, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đã tiến hành khảo sát đối với các huyện: Nho Quan, Yên Mô, Hoa Lư, Yên Khánh.
Qua khảo sát cho thấy toàn tỉnh có 16.486 liệt sỹ, 8.002 thương binh; tổng số hộ được hỗ trợ nhà ở giai đoạn 2 theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ là 2.128 hộ với kinh phí 63,78 tỷ đồng (xây mới 1.061 hộ với 42,44 tỷ đồng; sửa chữa 1.067 hộ với 21,34 tỷ đồng). Bên cạnh những kết quả  tích cực đã đạt được trong quá trình thực hiện chính sách đối với người có công của tỉnh trong thời gian qua, vẫn còn một số tồn tại, cụ thể:
Về xét duyệt và đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh: Tiến độ rà soát, xác minh thông tin về liệt sỹ, quân nhân từ trần, mất tin, mất tích, xét duyệt hồ sơ người hưởng chính sách như thương binh của cơ quan có thẩm quyền còn chậm, thời gian thẩm định kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng; việc giải quyết bổ sung tình hình thân nhân liệt sĩ, xác nhận và giải quyết chế độ thương binh chưa kịp thời; việc xem xét, xác minh khi lập và xác nhận hồ sơ thương binh của Bộ CHQS có trường hợp chưa chính xác.
Về hướng dẫn, xét duyệt và đề nghị công nhận danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: Nhiều trường hợp đề nghị truy tặng thời gian kéo dài chưa được giải quyết; việc hoàn thiện hồ sơ còn khó khăn, vướng mắc đặc biệt là còn tình trạng để sót đối tượng chính sách, xét duyệt chưa đảm bảo quy định về thời gian truy tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH; thời gian giải quyết dài; lưu trữ hồ sơ, thông tin liệt sỹ và thân nhân liệt sĩ không đảm bảo.
Công tác xét duyệt, tiếp nhận, quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ đối với thương binh (theo Nghị định 31) còn trường hợp thực hiện chưa đúng quy định; việc nắm bắt chính sách của người có công chưa đầy đủ, hiểu về chính sách không đúng ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ; công tác hướng dẫn, chỉ đạo đối với cơ sở còn thiếu cụ thể.
Việc giải quyết chế độ mai táng phí, Bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng theo QĐ 290, 62, 49, 142 còn chậm, hồ sơ đề nghị giải quyết nộp qua nhiều cấp thụ lý, nhiều khâu trung gian từ 3 cấp, mất nhiều thời gian giải quyết.
Việc hỗ trợ nhà ở đối với người có công theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ có việc còn chậm và chưa chính xác trong rà soát, thống kê đối tượng người có công cần được hỗ trợ.
Về xét duyệt, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng cho các đối tượng có thành tích tham gia kháng chiến, người có công; đề nghị cấp đổi bằng khen Huân huy chương đối với một số trường hợp chưa chặt chẽ nên số lượng trả về các huyện, thành phố còn nhiều. Đến nay, còn tồn đọng 61 hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân, Huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ các hạng và 8 hồ sơ đề nghị khen thưởng Huân chương độc lập cho các gia đình có nhiều liệt sỹ; 100 hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp lại hiện vật khen thưởng kháng chiến chưa đề nghị Ban Thi đua – Khen thưởng trung ương do Trung ương đã có thông báo tạm thời dừng chưa giải quyết.
Thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ chưa thuận lợi từ khâu tiếp nhận, hướng dẫn, thẩm định, xét duyệt hồ sơ đến ra quyết định cho các đối tượng; việc quản lý, lưu trữ hồ sơ bằng phương pháp thủ công, chưa có phần mềm quản lý và số hóa hồ sơ; việc ứng dụng công nghệ thông tin để lưu trữ, quản lý hồ sơ người có công chưa đồng bộ.
Công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu sâu sát, thiếu quyết liệt, chưa thường xuyên để phát hiện những tồn tai, hạn chế, sai phạm để uốn nắn kịp thời nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành khi thực thi nhiệm vụ giải uyết chế độ, chính sách đối với người có công.
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với kết quả khảo sát Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh đưa ra, đồng thời làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng trong việc thực hiện chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh.

Tác giả bài viết: Phan Thùy Linh - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661