Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Hội đồng bầu cử Quốc gia tiếp tục triển khai công tác bầu cử

Thứ hai, 21/03/2016
Nhằm bảo đảm thực hiện đúng các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, đáp ứng yêu cầu về tiến độ chuẩn bị bầu cử, ngày 07/3/2016, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã ban hành văn bản số 134/VPHĐBCQG-PL chỉ đạo Ủy ban Bầu cử, UBMTTQVN, Thường trực HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục lưu ý, khẩn trương tổ chức triển khai các công việc thuộc trách nhiệm của mình theo các mốc thời gian cụ thể.
Theo đó, chậm nhất là vào ngày 13 tháng 3 năm 2016 (70 ngày trước ngày bầu cử) phải hoàn thành việc thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (sau đây gọi tắt là Luật bầu cử) và nhận hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân theo quy định tại Điều 36 Luật bầu cử. 
Đối với tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai theo quy định tại Điều 44 và Điều 53 của Luật bầu cử chậm nhất là vào ngày 18 tháng 3 năm 2016 (65 ngày trước ngày bầu cử), Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải hoàn thành và lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người trong danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu cần được thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 20 tháng 3 đến ngày 12 tháng 4 năm 2016. Hội nghị hiệp thương lần thứ ba cần được tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày 13 tháng 4 đến ngày 17 tháng 4 năm 2016 (chậm nhất là 35 ngày trước ngày bầu cử).
Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập các Tổ bầu cử ở mỗi khu vực bỏ phiếu theo quy định tại Điều 25 của Luật bầu cử chậm nhất là vào ngày 02 tháng 4 năm 2016 (50 ngày trước ngày bầu cử). Việc lập và niêm yết danh sách cử tri theo quy định tại Điều 31 của Luật bầu cử hoàn thành chậm nhất là vào ngày 12 tháng 4 năm 2016 (40 ngày trước ngày bầu cử).
Cùng với đó, HĐBCQG đã thông tin lại một số nội dung mà nhiều địa phương cùng có yêu cầu để các cơ quan, tổ chức được biết và phối hợp, tổ chức thực hiện. Đó là khi nộp hồ sơ ứng cử, người ứng cử không phải nộp kèm theo giấy khám sức khỏe trong hồ sơ. Bới vì, trong hồ sơ ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân đã có mục “Tình trạng sức khỏe” để người ứng cử tự kê khai và cam kết chịu trách nhiệm. Điều này không mâu thuẫn với quy định phải có chứng nhận đủ sức khỏe của cơ quan y tế có thẩm quyền theo Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 31/01/2016 của Ban tổ chức Trung ương là do quy định như vậy chỉ để làm căn cứ cho các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sử dụng trong quá trình xem xét, lựa chọn nhân sự, giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. 
Về việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương thống nhất Quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cần được gửi đến Ủy ban bầu cử, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh. Còn lại, Quyết định thành lập Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã cần được gửi đến Ủy ban bầu cử ở cấp huyện, cấp xã tương ứng, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp và Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp trên trực tiếp.
Quyết định thành lập các Tổ bầu cử cần được gửi đến các Ban ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của đơn vị bầu cử nơi có khu vực bỏ phiếu mà Tổ bầu cử được phân công phụ trách; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.
Quyết định thành lập Tổ bầu cử tại đơn vị vũ trang nhân dân cần gửi đến các Ban bầu cử đại biểu Quốc hội, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã của đơn vị bầu cử nơi có Tổ bầu cử; Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã nơi đơn vị đóng quân.
Về việc lập danh sách cử tri, UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo cho cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu. Các cử tri đang đăng ký thường trú tại địa bàn được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi mình thường trú trừ trường hợp cử tri có nguyện vọng bỏ phiếu ở nơi khác thì cần thông báo lại để Ủy ban nhân dân cấp xã không ghi tên vào danh sách cử tri ở địa phương. Để đơn giản thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho cử tri trong việc thực hiện quyền bầu cử, đề nghị UBND cấp xã không yêu cầu cử tri phải xuất trình thêm các loại giấy tờ mà Luật bầu cử không quy định.
Về Tuổi để thực hiện quyền bầu cử của công dân được tính theo ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh. Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Giấy căn cước công dân để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử. Mọi công dân Việt Nam sinh từ ngày 22 tháng 5 năm 1998 trở về trước đều có quyền bầu cử, công dân có ngày sinh từ ngày 22 tháng 5 năm 1995 về trước đều có quyền ứng cử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Về số dư người ứng cử tại các đơn vị bầu cử thì, đơn vị bầu cử được bầu hai đại biểu Hội đồng nhân dân thì tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất phải là ba người. Đơn vị bầu cử được bầu hai đại biểu Quốc hội thì phải có ít nhất là bốn người ứng cử.

Tác giả bài viết: Dương Viết Yên - Trưởng phòng Thông tin - Dân nguyện

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661