Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016-2019 tại Sở Nông nghiệp và PTNT; Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Thứ tư, 13/05/2020
Sáng ngày 13/5/2020, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh do đồng chí Nguyễn Văn Định, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách làm Trưởng đoàn và các thành viên trong Đoàn giám sát làm việc tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh.
Theo báo cáo, đến nay trên địa bàn tỉnh có 101 xã chiếm 85% đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có xã Yên Bình thành phố Tam Điệp được công nhận thành phường; huyện Hoa Lư, Yên Khánh đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, toàn tỉnh còn 116 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 18,3 tiêu chí; số xã đạt từ 15-18 tiêu chí là 10 xã; số xã đạt từ 10-14 tiệu chí là 07 xã. Đến hết năm 2019, sau 2 năm bắt đầu triển khai xây dựng NTM kiểu mẫu toàn tỉnh có 03 xã đầu tiên được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (xã Gia Vân huyện Gia Viễn, xã Khánh Thiện huyện Yên Khánh và xã Yên Từ huyện Yên Mô); năm 2020 tiếp tục chỉ đạo xây dựng 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Giai đoạn 2016-2019, toàn tỉnh đã huy động được 17.547 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn hỗ trợ từ các doanh nghiệp, vốn huy động từ nhân dân. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo nên sự chuyển biến, thay đổi nhận thức sâu sắc của cán bộ, đảng viên, toàn xã hội và người dân về nông nghiệp, nông dân, nông thôn toàn quốc nói chung và Ninh Bình nói riêng. Vai trò của người dân, nông dân đã được thể hiện rõ trong chương trình này, toàn tỉnh đã huy động được nguồn lực lớn, đa dạng cho chương trình với trên 34 nghìn tỷ đồng. Chính vì vậy, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn thay đổi đáng kể: xanh hơn, sạch hơn, đẹp hơn. Nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng cao trên 130 triệu đồng/ha. Sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hướng OCOP phát triển mạnh, kinh tế tập thể phát triển mạnh cùng kinh tế tư nhân, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, năm 2019 thu nhập của người dân nông thôn toàn tỉnh đạt 43,38 triệu đồng/người/năm, tăng 18,8 triệu đồng so với năm 2015. Nhận thức của người dân trong việc xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ người dân được lấy ý kiến hài lòng về kết quả xây dựng nông thôn mới ở các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM đều trên 90% hài lòng, nhiều nơi đạt 99%.
Về thực hiện chính sách hỗ trợ phát triể sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 4 năm (2016-2019) thực hiện hỗ trợ 21.187,1 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 15.925 triệu đồng, huy động từ nguồn vốn khác và do nhân dân đóng góp là 5.262,1 triệu đồng; đã hộ trợ trực tiếp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về con giống, vật tư, phương tiện sản xuất. Một số mô hình được hỗ trợ bước đầu đã phát huy hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, mức sống dân cư được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước.
Tại buổi làm việc đã có 6 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, đề nghị bổ sung, phân tích, làm rõ một số nội dung:
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: làm rõ tính thống nhất của số liệu về nguồn vốn do Văn phòng cung cấp so với số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính; số liệu về thu nhập bình quân đầu người tại các xã nông thôn mới đạt trên 45 triệu đồng/người/năm; số liệu về nợ đọng xây dựng cơ bản. Phân tích rõ hơn về một số kiến nghị nêu trong báo cáo như công tác phối hợp, bộ tiêu chí về y tế, môi trường, công tác quy hoạch; đổi mới tổ chức sản xuất; công tác tuyên truyền; tính khả thi của kế hoạch đạt chuẩn nông thôn mới của huyện, xã, thôn trong năm 2020. Tình trạng nợ tiêu chí của các xã đạt chuẩn nông thôn mới; cơ sở pháp lý về sự phù hợp liên quan đến tiêu chí đánh giá nông thôn mới; mô hình tổ chức triển khai thực hiện chương trình; những vướng mắc, bất cập của các chính sách HĐND tỉnh đã ban hành…
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá hiệu quả việc hỗ trợ thực hiện các dự án thuộc Chương trình; đánh giá về mô hình nông nghiệp sạch, quy hoạch vùng sản xuất hữu cơ; bất cập trong thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh trong công tác giảm  nghèo…
Đồng chí Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh đã trao đổi làm rõ các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát, đồng chí cho rằng đây là Chương trình mang tính dài hơi, không có điểm dừng, điểm kết thúc, để thực hiện tốt Chương trình phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tham gia tích cực của các Doanh nghiệp, tổ chức, sự đồng lòng, góp sức của người dân, đồng chí tiếp thu các ý kiến và sẽ trao đổi với các ngành thống nhất các số liệu để báo cáo Đoàn giám sát. Đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn giải trình thêm một số ý kiến liên quan đến Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Định, Trưởng ban Kinh tế -Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện bổ sung báo cáo gửi Đoàn giám sát, trong đó quan tâm tới các kiến nghị về sửa đổi những bất cập, hạn chế trong thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh để trong thời gian tới triển khai các nhiệm vụ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả tốt hơn./.
 
 

Tác giả bài viết: Trần Thị Thùy Dương - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661