Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Ninh Bình: Dấu ấn hoạt động Nhiệm kỳ 2011 - 2016

Thứ năm, 24/03/2016
Ban Văn hóa - Xã hội được HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XIII tại kỳ họp thứ nhất bầu ra 07 thành viên, gồm 01 Trưởng ban, 02 Phó Trưởng ban và 04 ủy viên. Trong đó có 01 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách; 05 đại biểu nữ; 02 đại biểu làm công tác Đảng, 03 đại biểu làm công tác quản lý nhà nước, 02 đại biểu cơ sở. Về chuyên môn: 02 đại biểu đang học nghiên cứu sinh, 01 đại biểu đang học Cao học, 04 đại biểu trình độ Đại học. Về chính trị: 05 đại biểu Cao cấp, 02 đại biểu Trung cấp. Hiện nay, Ban có 05 thành viên, gồm 01 Phó Trưởng ban và 04 ủy viên. Với cơ cấu, số lượng, chất lượng như trên, Ban đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, từng bước nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác; các thành viên Ban đã phát huy vai trò cá nhân trong việc nắm bắt, phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cử tri các ngành, các cấp nơi công tác tới HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng phục vụ yêu cầu công tác.
Trong quá trình hoạt động, Ban bám sát nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số; thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND tỉnh; sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và điều hòa, phối hợp hoạt động của Thường trực HĐND tỉnh; định kỳ báo cáo kết quả công tác và kết quả giám sát với Thường trực HĐND tỉnh; linh hoạt trong việc bố trí các thành viên Ban tham gia hoạt động giám sát, khảo sát, thẩm tra phù hợp với vị trí công tác và kiến thức chuyên môn... Thực hiện đúng chế độ họp Ban để thống nhất kế hoạch, nội dung giám sát, khảo sát và thông qua kết quả thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh; tích cực tham gia công tác chuẩn bị nội dung các kỳ họp HĐND tỉnh, tham gia xây dựng dự thảo các Nghị quyết của HĐND tỉnh, chuẩn bị nội dung chất vấn. Báo cáo kết quả công tác; chương trình, nhiệm vụ công tác 6 tháng, cả năm được thảo luận, thống nhất trong tập thể trước khi ban hành. Trong nhiệm kỳ 2011-2016, hoạt động của Ban Văn hóa - Xã hội có hiệu quả; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy chế làm việc của Ban; đảm bảo phát huy dân chủ, đoàn kết, thống nhất cao. Cụ thể:
Hoạt động thẩm tra là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các Ban HĐND tỉnh. Thông qua hoạt động thẩm tra, khẳng định những nội dung đúng, phù hợp, chỉ ra những vấn đề bất cập, hạn chế, giúp đại biểu HĐND tỉnh thảo luận và quyết định các vấn đề tại kỳ họp; từng bước khắc phục tính hình thức, qua đó góp phần nâng cao vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Tại 16 kỳ họp HĐND tỉnh khóa XIII, thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội đã chủ trì thẩm tra 19 đề án, dự thảo nghị quyết, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, đúng pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; ngoài ra thẩm tra các báo cáo, đề án được phân công. Trong quá trình thẩm tra, Ban đã chủ động phối hợp với cơ quan chuyên môn tham gia ý nhằm tạo sự thống nhất giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra, nâng cao chất lượng đề án, dự thảo nghị quyết  trình HĐND tỉnh tại kỳ họp. Do vậy, chất lượng các báo cáo thẩm tra của Ban từng bước được nâng cao, tính phản biện tương đối rõ nét, là một trong những cơ sở quan trọng, tạo căn cứ tin cậy để đại biểu HĐND tỉnh xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp.
Trong thời gian giữa hai kỳ họp, thực hiện sự phân công của Thường trực HĐND tỉnh, căn cứ quy định của pháp luật và tình hình thực tế của tỉnh, Ban đã thẩm tra 13 nội dung phát sinh theo đề nghị của UBND tỉnh ở các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế. Trên cơ sở kết quả thẩm tra của Ban, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành thông báo ý kiến để UBND tỉnh tổ chức thực hiện.
Hàng năm, Thực hiện Nghị quyết về Chương trình giám sát của HĐND tỉnh Ban đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hàng quý, 6 tháng, cả năm, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh để điều hòa hoạt động chung. Trong nhiệm kỳ, Ban đã thực hiện 14 cuộc giám sát, khảo sát theo chương trình giám sát và 04 cuộc giám sát bổ sung do Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Thường trực HĐND tỉnh phân công tại 26 cơ quan cấp tỉnh, 23 cơ quan cấp huyện và 27 cơ quan, đơn vị khác về các lĩnh vực. Trong giám sát, chú trọng việc phát hiện những bất cập, thiếu sót để kiến nghị điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tiễn. Các thông báo kết luận giám sát đã được Ban quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, trong đó chỉ rõ kết quả, tồn tại, phân tích nguyên nhân, từ đó có kiến nghị, giải pháp hợp lý; giao nhiệm vụ đối với từng đơn vị, có quy định thời hạn thực hiện rõ ràng để có căn cứ kiểm tra, giám sát. Sau giám sát, khảo sát, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát. Do hoạt động giám sát được quan tâm chú trọng nên chất lượng các cuộc giám sát của Ban từng bước được nâng cao, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh, tác động tích cực đến công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước và việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND tỉnh trên địa bàn.
Nhìn chung, trong nhiệm kỳ 2011-2016, bên cạnh những khó khăn, hạn chế như kỹ năng hoạt động của các thành viên trong Ban chưa đồng đều; điều kiện công tác của mỗi thành viên khác nhau; lĩnh vực hoạt động của Ban Văn hóa - Xã hội rộng, phức tạp, liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều chính sách xã hội khác nhau; việc theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát có lúc còn chưa thường xuyên, hiệu quả có mặt còn hạn chế…, xong Ban Văn hóa-Xã hội đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động xây dựng kế hoạch và hoàn thành tốt chương trình công tác đề ra. Tại các kỳ họp, các thành viên của Ban đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đại biểu, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực tham gia vào các nội dung của kỳ họp. Hoạt động thẩm tra, giám sát được thực hiện nghiêm túc, đúng kế hoạch, có hiệu quả. Công tác phối hợp hoạt động, trao đổi thông tin được quan tâm; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, khảo sát có bước đổi mới; việc chuẩn bị nội dung chất vấn tại các kỳ họp đáp ứng yêu cầu, số lượng câu hỏi chất vấn tại kỳ họp nhiều hơn so với nhiệm kỳ trước. Các thành viên của Ban đã tích cực nghiên cứu văn bản pháp luật, tìm hiểu nắm bắt tình hình thực tiễn, tham gia hoạt động của Ban, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giám sát, thẩm tra; đồng thời đề xuất những kiến nghị, giải pháp phù hợp, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trên địa bàn.
Có được những kết quả trên là do có sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng đoàn HĐND tỉnh; sự phối hợp, điều hòa của Thường trực HĐND tỉnh; sự phối kết hợp thường xuyên của các Ban HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các ngành chức năng; sự tham mưu, phục vụ kịp thời, chu đáo của Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh; sự đoàn kết, thống nhất và tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên trong Ban.
5 năm của nhiệm kỳ là chặng đường hoạt động của Ban VH – XH, đã để lại nhiều kết quả, dấu ấn đáng ghi nhận. Từ hoạt động thực tiễn, Ban đã rút ra những kinh nghiệm quý báu đó là việc chủ động nghiên cứu, nẵm vững các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và nhà nước; xây dựng quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ; xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên viên tham mưu, giúp việc có chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm và tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác theo chức năng nhiệm vụ. Nhiệm kỳ 2016-2021 đang đặt ra nhiều thách thức, trách nhiệm đối với HĐND các cấp trong đó có Ban Văn hóa – Xã hội, những kinh nghiệm từ thực tiễn nhiệm kỳ 2011-2016 là cơ sở, là bài học tiếp nối cho nhiệm kỳ mới hoạt động.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hằng, Phòng Công tác Hội đồng

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 62

Hôm nay: 208

Tổng lượt truy cập: 435435