Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Ninh Bình tổ chức khảo sát tại một số trường học trên địa bàn huyện Gia Viễn

Thứ ba, 16/04/2019
Trong các ngày 11 và 12/4/2019, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh đã tiến hành khảo việc thực hiện chương trình giáo dục và mô hình trường học mới VNEN, việc đảm bảo an toàn trường học từ năm học 2016-2017 đến năm học 2018-2019 tại trường Tiểu học Liên Sơn và trường THCS Gia Tân (huyện Gia Viễn). Đồng chí Lê Thu Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa - Xã hội, trưởng đoàn; tham gia đoàn có lãnh đạo: Các Ban của HĐND tỉnh, Văn HĐND tỉnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Viễn.
Đoàn đã nghe Hiệu trưởng các trường báo cáo khái quát chung đặc điểm, tình hình tổ chức và hoạt động của nhà trường; đánh giá những thuận lợi, ưu điểm trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục và mô hình giáo dục VNEN; những khó khăn, hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cũng như những hạn chế khi thực hiện mô hình. Hiệu trưởng trường Tiểu học Liên Sơn cho biết việc áp dụng phương pháp của mô hình trường học mới có nhiều ưu điểm so với phương pháp dạy truyền thống, giáo viên chỉ là người tổ chức, hỗ trợ các hoạt động học tập, học sinh chủ động trong việc học, giúp các em tự tin, mạnh dạn hơn thông qua các hoạt động nhóm, sẵn sàng chia sẻ, mạnh dạn bộc lộ cảm xúc, từ đó giúp cho các em có kỹ năng xử lý các tình huống trong học tập, có hứng thú trong học tập. Tuy nhiên, với những em nhút nhát, khả năng nhận thức chậm thì việc để các em hỗ trợ tương tác lẫn nhau trong nhóm kiến thức chưa sâu, một số em ỉ lại vào bạn bè, lười hoạt động. Cơ sở vật chất để thực hiện mô hình chưa đảm bảo, đang áp dụng chương trình mới trong môi trường cũ; diện tích, không gian lớp hẹp, bàn ghế chưa đúng quy cách để sắp sếp học theo nhóm. Tại trường THCS Gia Tân đã đưa chương trình VNEN vào giảng dạy được 3 năm, hiện nay chỉ có 2 lớp/2 khối 7 và 8 học chương trình đổi mới, cơ sở vật chất không đáp ứng chương trình nên Trường chỉ chọn một số thành tố phù hợp để thực hiện.
Qua khảo sát và qua báo cáo của 2 trường cho thấy, các trường đều đã thành lập Ban chỉ đạo an toàn trường học trong nhà trường, xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình- lực lượng công an về xây dựng mô hình “trường học an toàn”. Học sinh được trang bị kiến thức về phòng chống bạo lực học đường, nhà trường thường xuyên họp phụ huynh để phối hợp trong việc quản lý, giáo dục con em mình. Kết quả, trong những năm gần đây không xảy ra hiện tượng bạo lực học đường và tai nạn thương tích.
Kết thúc các buổi làm việc, đồng chí Lê Thu Hà, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được, những khó khăn của các trường trong thời gian qua; đồng thời, đề nghị thời gian tới các Trường cần tiếp tục nghiên cứu để đổi mới phương pháp giáo dục, chất lượng giáo dục; quan tâm hơn việc chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, các ngành để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học. Tiếp tục quan tâm rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng địa phương, lồng ghép cho các cháu kỹ năng sống, giáo dục truyền thống. Đối với mô hình VNEN, các trường cần phát huy những ưu điểm, những thành tố phù hợp để áp dụng trong thực tiễn.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hằng - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661