Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Ban Pháp chế HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến ngày 30/6/2023

Thứ sáu, 25/10/2024

* Sáng ngày 24/10/2024, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh do đồng chí Phạm Hồng Thái, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến thời điểm ngày 30/6/2023 tại Công an tỉnh.

Ảnh: Quang cảnh buổi giám sát

Thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Cơ quan Cảnh sát điều tra 2 cấp Công an tỉnh đã thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của cấp trên và tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Các tố giác, tin báo về tội phạm sau khi tiếp nhận đều ra thông báo về việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, phân công điều tra viên thụ lý giải quyết lập kế hoạch và áp dụng các biện pháp nghiệp vụ xác minh, giải quyết theo đúng quy định. Các trường hợp khởi tố vụ án, không khởi tố vụ án đều có căn cứ pháp luật, không có trường hợp nào bị Viện Kiểm sát nhân dân hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố; không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm và ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Cơ quan điều tra từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Đội ngũ cán bộ phòng, chống tội phạm từng bước được bổ sung về số lượng, nâng cao về chất lượng, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đối với các kiến nghị sau giám sát về thực hiện các quy định của pháp luật và Nghị quyết số 124/2021/HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định việc xử lý các cơ sở trên địa bàn tỉnh Ninh Bình không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) được đưa vào sử dụng trước ngày Luật Phòng cháy và chữa cháy có hiệu lực, Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc, đặc biết làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác PCCC; các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC và tham mưu, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị quyết số 124/2021/HĐND.

Ảnh: Đồng chí Phạm Hồng Thái, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn phát biểu kết luận giám sát

Tại buổi giám sát, thành viên Đoàn giám sát đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của Công an tỉnh trong triển khai thực hiện kết luận, kiến nghị sau giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Đồng thời, trao đổi làm rõ hơn những kết quả; tồn tại, hạn chế và phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh tiếp thu đầy đủ các đề xuất, kiến nghị và đề nghị Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, công tác PCCC trong thời gian tới.

* Chiều cùng ngày, Ban Pháp chế HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến ngày 30/6/2023 tại Tòa án Nhân dân tỉnh.

Theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tỉnh, các kiến nghị sau giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã được ngành Tòa án tỉnh tiếp thu, tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.

Đối với việc thực hiện các kiến nghị về công tác thụ lý, giải quyết án hành chính: Từ ngày 01/01/2021 đến 30/6/2023, Tòa án Nhân dân tỉnh đã thụ lý, giải quyết 29 vụ án hành chính sơ thẩm, trong đó có 19 vụ án hành chính bị kháng cáo. Kết quả giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội: giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm 17 vụ; hủy 1 vụ; sửa 1 phần bản án 1 vụ. Tiến độ giải quyết án kịp thời, bảo đảm thời hạn trong việc gửi văn bản tố tụng cho các cơ quan có liên quan. Công tác đối thoại được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo quy định. Quá trình giải quyết các vụ việc, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân luôn thực hiện nghiêm túc nguyên tắc xét xử độc lập và tuân theo pháp luật khi giải quyết, xét xử các vụ án hành chính.

Đối với việc thực hiện các kiến nghị về xác định điều kiện thi hành án dân sự: Quá trình tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện, thụ lý, giải quyết, xét xử các vụ án dân sự được xem xét kỹ, xác định rõ các nội dung khởi kiện; chứng cứ trong các vụ án đều là thật, được đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức giao nộp, xuất trình cho Tòa án hoặc do Tòa án thu thập; việc thu thập chứng cứ được thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại đã bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; các phán quyết rõ ràng, minh bạch; các quyết định công nhận đều trên cơ sở ghi nhận sự thỏa thuận tự nguyện của các bên đương sự.

Tại buổi giám sát, Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến yêu cầu khởi kiện đối với các tranh chấp hợp đồng tín dụng, việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính; những khó khăn, bất cập và giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các kết luận, kiến nghị sau giám sát.

Kết luận buổi giám sát, đồng chí Phạm Hồng Thái, Ủy viên Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát ghi nhận, đánh giá cao sự nghiêm túc, trách nhiệm của Tòa án Nhân dân tỉnh trong việc triển khai, thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Đồng thời, đề nghị Tòa án Nhân dân tỉnh tổng hợp các kiến nghị liên quan đến các vướng mắc trong quá trình xét xử, gửi tới Đoàn để tổng hợp gửi các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 6

Hôm nay: 57

Tổng lượt truy cập: 435284