Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp “vừa hồng vừa chuyên”

Thứ hai, 11/03/2019
Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, khoa học trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; từng bước tạo ra những bước chuyển trong công tác cán bộ, tạo thêm niềm tin giữa dân với Đảng bởi đội ngũ cán bộ lãnh đạo ngày càng được hoàn thiện cả về năng lực và đạo đức, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH.

Ký kết thi đua của Hội Phụ nữ cơ sở

Cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với đường lối đổi mới của Đảng, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giữ gìn được phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, là tấm gương để cán bộ, đảng viên trong cơ quan, đơn vị noi theo. 

Hầu hết các đồng chí đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chỉ đạo, điều hành theo đúng nhiệm vụ, quyền hạn được quy định; không có biểu hiện độc đoán, chuyên quyền, lấn sân; không lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt ý đồ cá nhân. Nhiều đồng chí có năng lực nổi trội, có tư duy đổi mới và tầm nhìn xa, có kinh nghiệm công tác, có khả năng vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thể hiện được là trung tâm đoàn kết, quy tụ, có uy tín cao với cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và luôn có những đổi mới trong công tác cán bộ. Đã kịp thời ban hành các văn bản về công tác cán bộ để chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện như: sửa đổi, bổ sung Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Đề án thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định về tiêu chí đánh giá, xếp loại cán bộ; Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quy định về giám sát đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy quản lý, Nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030....

Công tác đánh giá, xếp loại cán bộ được thực hiện nghiêm túc, khách quan, đảm bảo thực chất hơn, tránh xuê xoa, hình thức, đánh giá từ định tính chuyển dần sang định lượng, căn cứ vào những tiêu chí cụ thể; tỷ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm giảm dần nhưng thực chất hơn, sát với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đúng với hướng dẫn của Trung ương.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành được tiến hành dân chủ, chặt chẽ bám sát các quan điểm, nguyên tắc, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong quy hoạch cán bộ. Đã xây dựng được đội ngũ cán bộ dự nguồn khá dồi dào, số lượng các chức danh được quy hoạch đảm bảo theo quy định của Trung ương: quy hoạch ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện đa số các đơn vị đạt hệ số 1,5 đến 2 lần so với số lượng đương nhiệm; quy hoạch các chức danh lãnh đạo đều đạt từ 2-4 người/chức danh, có nhiều đồng chí được quy hoạch từ 3-4 chức danh; cơ cấu độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ giới thiệu vào quy hoạch cơ bản đã đáp ứng theo quy định; đã chuẩn bị tốt nguồn nhân sự cấp uỷ các nhiệm kỳ tiếp theo. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chú trọng, đã kịp thời chấn chỉnh việc cử cán bộ đi đào tạo sau đại học phải đảm bảo đúng chuyên ngành được đào tạo ở bậc đại học hoặc lĩnh vực đang công tác, ưu tiên đào tạo những ngành, lĩnh vực tỉnh đang cần. Tích cực bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ tỉnh đến cơ sở; tổ chức nhiều khoá bồi dưỡng chuyên sâu về các kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cơ sở; tổ chức bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý cho các đồng chí quy hoạch Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; bồi dưỡng cán bộ dự nguồn cấp xã cho các đồng chí quy hoạch các chức danh chủ chốt... 

Quy trình lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ từng bước được đổi mới, năm 2013, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án và triển khai thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương ở 26 cơ quan, đơn vị. Thực hiện Thông báo Kết luận số 202-TB/TW ngày 26/5/2015 của Bộ Chính trị về Đề án “Thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng”; Ninh Bình là một trong 22 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn để thực hiện thí điểm Đề án; Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu ban hành Kế hoạch thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo cấp Sở, cấp phòng. Theo đó, đến hết năm 2019 thực hiện thi tuyển 3 chức danh lãnh đạo cấp sở và 60 chức danh lãnh đạo cấp phòng.

Trước yêu cầu của thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đã đặt ra những thách thức mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải được nâng cao chất lượng, đồng thời phải vững vàng cả về bản lĩnh chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, tạo được sức đề kháng với âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng. 

Để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định mục tiêu và một số nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận của Trung ương về công tác cán bộ, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đặc biệt là triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII); bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng về công tác cán bộ với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của cả hệ thống chính trị; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách và trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác tổ chức cán bộ. 

Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ. Thường xuyên rà soát, xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành; đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ qua thực tiễn không có triển vọng phát triển; phát hiện, bổ sung những cán bộ có triển vọng vào quy hoạch; quan tâm quy hoạch cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ khoa học kỹ thuật có năng lực, có trình độ. Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ; kết hợp chặt chẽ việc luân chuyển cán bộ với việc chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng và nhân sự HĐND, UBND các cấp...

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Khánh

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661