Main
Thứ tư, ngày 02/07/2025

Kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026

Thứ ba, 01/07/2025

Sáng ngày 01/7/2025, HĐND tỉnh khoá XV, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức Kỳ họp thứ nhất - Kỳ họp đầu tiên của tỉnh Ninh Bình mới sau thực hiện chủ trương hợp nhất ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình theo Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội. Các đồng chí: Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Hoàng Hà, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đặng Thanh Sơn, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Xuân Huy, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Mai Thanh Long, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ toạ kỳ họp.

Ảnh: Quang cảnh kỳ họp

Dự khai mạc Kỳ họp có các đồng chí: Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ; Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đồng chí Uỷ viên UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh uỷ, Văn phòng UBND tỉnh cùng các vị đại biểu HĐND tỉnh.

Ảnh: Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nhìn lại chiều dài lịch sử dân tộc, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình là những địa phương có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử và cách mạng, có đặc điểm tương đồng và gắn bó mật thiết về địa lý, kinh tế, xã hội. Trong suốt hơn một thế kỷ qua, ba tỉnh đã nhiều lần được chia tách, hợp nhất để phù hợp với yêu cầu phát triển từng thời kỳ. Đến nay, trước yêu cầu cấp thiết về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền, tạo nền tảng vững chắc để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình được hợp nhất. Đây là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc lịch sử mới trong tiến trình phát triển của vùng đất địa linh nhân kiệt trung tâm Đồng bằng sông Hồng.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh cho biết, để chính quyền địa phương sau hợp nhất được vận hành ổn định, thông suốt theo chỉ đạo của Trung ương và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết nghị những nội dung quan trọng liên quan đến nhân sự, cơ cấu bộ máy của HĐND tỉnh; Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh; các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh…

Sau phát biểu khai mạc, Kỳ họp nghe thông báo về số lượng và danh sách đại biểu HĐND tỉnh sau sắp xếp, nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, số lượng đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình sau sắp xếp, nhiệm kỳ 2021-2026 có 128 đại biểu, trong đó: Số lượng đại biểu HĐND tỉnh Nam Định trước sắp xếp: 44 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND tỉnh Hà Nam trước sắp xếp: 41 đại biểu; số lượng đại biểu HĐND tỉnh Ninh Bình trước sắp xếp: 43 đại biểu.

Kỳ họp đã nghe thông báo Nghị quyết số 1726/NQ-UBTVQH15 ngày 24/6/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chỉ định Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình. Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ định đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy giữ chức vụ Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ định các đồng chí: Bùi Hoàng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Đặng Thanh Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Lê Xuân Huy, Tỉnh ủy viên; Hoàng Văn Kiên, Tỉnh ủy viên; Mai Thanh Long, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Chỉ định các đồng chí: Vũ Thị Kim, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Trưởng Ban Pháp chế; Nguyễn Thị Nhung, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách; Phạm Anh Tuấn, Tỉnh ủy viên giữ chức vụ Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2025.

HĐND tỉnh cũng đã nghe thông báo Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc Phê chuẩn số lượng thành viên Ban và danh sách Phó Trưởng ban, Ủy viên các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026, chỉ định Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Ban Kinh tế - Ngân sách gồm 23 đại biểu; Ban Pháp chế gồm 20 đại biểu; Ban Văn hóa - Xã hội 18 đại biểu; Ủy viên UBND tỉnh Ninh Bình nhiệm kỳ 2021-2026 gồm 15 đồng chí.

Ảnh: Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh, Trưởng các Ban HĐND tỉnh.

Ảnh: Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tặng hoa chúc mừng lãnh đạo UBND tỉnh và các đồng chí Uỷ viên UBND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026.

Tại Kỳ họp, đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã tặng hoa chúc mừng các đồng chí lãnh đạo HĐND tỉnh, Trưởng các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh và các đồng chí Uỷ viên UBND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ảnh: Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh khẳng định: Việc hợp nhất ba tỉnh giàu truyền thống văn hóa, lịch sử và tiềm năng phát triển - Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình - không chỉ là bước đi mạnh mẽ trong cải cách và tổ chức bộ máy nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, các kết luận, chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ mà còn là cơ hội chiến lược để mở rộng không gian phát triển toàn diện, bổ sung cho nhau, khắc phục được những hạn chế, qua đó tạo cơ hội, sức mạnh để bứt phá, tăng tốc phát triển, xây dựng tỉnh Ninh Bình mới là một trong những trung tâm phát triển năng động, hiện đại, bền vững của vùng Đồng bằng sông Hồng. Đồng chí nhấn mạnh: Việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp đòi hỏi sự đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là HĐND tỉnh - cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh, khát vọng phát triển, là trung tâm đoàn kết và quyết sách mọi lợi ích lâu dài của Nhân dân.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị HĐND tỉnh cần đặc biệt tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm: Nỗ lực, quyết liệt hơn nữa nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động bảo đảm tính dân chủ, công khai, minh bạch trong các quyết sách; phát huy vai trò giám sát, nhất là đối với các lĩnh vực đầu tư công, đất đai, tài nguyên, cải cách hành chính để đảm bảo phát triển năng động và hiệu quả. Phát huy trí tuệ trong việc ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách mang tính đột phá tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong các lĩnh vực then chốt như du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ, phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ưu tiên phát triển đồng bộ hạ tầng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc của quê hương Ninh Bình.

Bên cạnh đó, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cũng gợi mở một số vấn đề để UBND tỉnh, các cơ quan tham mưu, giúp việc UBND tỉnh sớm tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển. Trong đó, trước mắt cần bắt tay ngay vào công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, đặc biệt là đầu tư tuyến đường kết nối 3 thành phố trước đây (Nam Định, Hoa Lư, Phủ Lý) và một số dự án trọng điểm phát triển hạ tầng giao thông; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng công nghiệp, kết nối hạ tầng các khu công nghiệp với các tuyến đường quốc gia; thu hút các nhà đầu tư quốc tế... Nghiên cứu, đề xuất các chính sách thu hút nguồn nhân lực. Tập trung khai thác tiềm năng thế mạnh văn hoá, lịch sử của quê hương để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch văn hoá, du lịch vui chơi, giải trí… Đồng thời cần rà soát lại toàn bộ các cơ chế, chính sách liên quan đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, an sinh xã hội của 3 tỉnh trước đây để tham mưu điều chỉnh thống nhất, phù hợp.

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tin tưởng với tiềm năng, lợi thế từ vị trí địa lý chiến lược, bề dày truyền thống văn hóa - lịch sử - cách mạng, cùng hệ thống chính trị đồng bộ, đoàn kết; với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ và trách nhiệm cao, HĐND tỉnh Ninh Bình sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng đưa quê hương Ninh Bình bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững với tầm nhìn chiến lược và khát vọng vươn lên mạnh mẽ.

Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh trân trọng cảm ơn và nghiêm túc tiếp thu những ý kiến chỉ đạo quan trọng, sâu sắc, toàn diện và tâm huyết của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. HĐND tỉnh sẽ phát huy tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong hệ thống chính trị, đồng hành cùng UBND tỉnh, chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành, quản lý, giữ vững kỷ cương, góp phần đưa tỉnh Ninh Bình phát triển vững vàng, xứng đáng với tiềm năng, vị thế và niềm tin của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh.

Tiếp đó, HĐND tỉnh đã nghe Tờ trình về việc đề nghị thành lập các Ban của HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình về thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026; Tờ trình về kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh; Tờ trình thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh.

Với tinh thần dân chủ, đồng thuận cao, HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua 04 dự thảo nghị quyết.

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Sau thời gian làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ, đoàn kết và trách nhiệm, Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh Ninh Bình khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Đây là Kỳ họp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định nhiều nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tạo cơ sở để chính quyền địa phương vận hành ổn định, hiệu quả trong thời gian tới. Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh nhất trí cao và biểu quyết thông qua 04 Nghị quyết. Trong đó có 03 Nghị quyết về tổ chức và nhân sự, là cơ sở để kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm sự lãnh đạo, điều hành liên tục, hiệu lực, hiệu quả ngay từ những ngày đầu của chính quyền địa phương cấp tỉnh sau hợp nhất.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân trong tỉnh, đồng chí đề nghị: Trong quá trình hoạt động, các cấp, các ngành cần bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như các mục tiêu, định hướng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là tập trung vào bốn đột phá lớn theo tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị về: Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; về Hội nhập quốc tế trong tình hình mới; về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; về phát triển kinh tế tư nhân.

Trên cơ sở các Nghị quyết đã được Kỳ họp thông qua, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương cần khẩn trương tổ chức thực hiện, ổn định tổ chức, kiện toàn bộ máy hành chính theo đúng quy định; chú trọng xây dựng quy chế hoạt động; bảo đảm hoạt động của chính quyền các cấp đồng bộ, thông suốt, hiệu quả, không bị gián đoạn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong điều kiện mới, với phương châm “Vận hành thông suốt - hiệu lực - hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở”.

Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh sớm xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn mới, xây dựng quy hoạch tỉnh bảo đảm xứng tầm với quy mô và vị thế của tỉnh sau hợp nhất, thể hiện rõ tư duy đổi mới, định hướng chiến lược dài hạn, lấy phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân làm mục tiêu xuyên suốt; phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh vùng trung tâm Đồng bằng sông Hồng…

Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và từng đại biểu HĐND tỉnh cần tiếp tục phát huy vai trò, chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, quyết định những định hướng lớn, thực hiện tốt chức năng giám sát để bảo đảm các nghị quyết của HĐND tỉnh được triển khai hiệu quả, đi vào thực tiễn đời sống; đồng thời giữ mối liên hệ mật thiết với Nhân dân, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri, từ đó củng cố niềm tin và sự đồng thuận trong xã hội.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tăng cường phối hợp chặt chẽ với HĐND tỉnh, UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, huy động sức mạnh tổng hợp để cùng chính quyền thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Việc hợp nhất tỉnh không chỉ là sự sắp xếp lại địa giới hành chính, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm tạo lập thế và lực mới cho sự phát triển lớn mạnh, bền vững và hội nhập sâu rộng trong thời đại mới. Tỉnh Ninh Bình hôm nay là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, ý chí đổi mới và khát vọng phát triển. Tin tưởng rằng, với truyền thống lịch sử hào hùng, tinh thần đổi mới sáng tạo và quyết tâm chính trị cao, tỉnh Ninh Bình sau hợp nhất sẽ sớm ổn định tổ chức, phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo bứt phá trong phát triển, cùng cả nước bước vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”.

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17

Hôm nay: 482

Tổng lượt truy cập: 547812