Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Ngày làm việc thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV

Thứ sáu, 05/08/2016
Sáng ngày 4/8, theo Chương trình kỳ họp, kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh khóa XIV tiến hành thảo luận theo tổ về nội dung các báo cáo; Tờ trình, Đề án.
Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã nghiên cứu, thảo luận, đưa ra các quan điểm, đánh giá về các báo cáo; tờ trình; dự thảo Nghị quyết. Các đại biểu đều nhận định đây là kỳ họp có khối lượng nội dung công việc lớn và đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo, công phu của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các ngành, các cơ quan chức năng.
Đối với báo cáo tình hình KT- XH 6 tháng đầu năm 2016, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016, các đại biểu đồng tình thống nhất cao, đồng thời nhận định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tăng cường quản lý đất đai và khai thác các nguồn thu để tăng ngân sách địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần có giải pháp cụ thể để thu hút các nhà đầu tư lớn, tạo cơ chế chính sách thuận lợi để đầu tư phát triển; Tăng cường kiểm tra, quản lý của nhà nước trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường; Tập trung tháo gỡ khó khăn về các thủ tục hành chính trong đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thu ngân sách đạt kết quả tốt.
 

Ảnh: Các đại biểu thảo luận sôi nổi về nội dung các báo cáo, tờ trình, Dự thảo Nghị quyết
 
Về báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu nẳm 2016, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Thường trực HĐND tỉnh, đa số các đại biểu đều thống nhất đánh giá 6 tháng đầu năm, HĐND tỉnh đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ theo quy định, các kỳ họp đảm bảo chất lượng, tính tranh luận tăng lên. Sự tiếp nối của HĐND tỉnh giữa hai nhiệm kỳ được thực hiện có nền nếp, đạt kết quả tốt.Đồng thời, các đại biểu kiến nghị một số nội dung như: Đề nghị các nội dung phát sinh giữa hai kỳ họp đã được Thường trực HĐND tỉnh phối hợp với UBND tỉnh giải quyết cần được báo cáo công khai, chính thức tại kỳ họp thay bằng việc gửi báo cáo trong tài liệu kỳ họp như hiện nay; Đề nghị HĐND tỉnh rà soát lại hiệu quả các nghị quyết đã ban hành, xem xét lại các nghị quyết có nội dung không còn phù hợp để sửa đổi, bổ sung; HĐND tỉnh cần chủ động hơn trong việc nắm bắt các chế độ, chính sách phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh để đề xuất với Thường trực Tỉnh uỷ và có định hướng cho các cơ quan chuyên môn khi xây dựng đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nghị quyết khi được ban hành; Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các kết luận sau khảo sát, giám sát của các cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh.
Về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2016, đa số ý kiến đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để chính xác lại một số thuật ngữ dùng trong báo cáo (nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá; kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép; tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, cổ phần hoá và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước); có phương án kiểm soát nợ XBCB trong xây dựng NTM và chỉ đạo giải quyết cụ thể việc thu từ đấu giá đất để chi trả nợ XDCB; làm rõ nguyên nhân của ba khoản thu chưa đạt (thuế sử dụng đất nông nghiệp, phi nông nghiệp; thu khác ngân sách; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản); việc quản lý, theo dõi thuế, phí phải chặt chẽ để các giải pháp đốc thu đạt hiệu quả; tăng cường công tác chỉ đạo, khai thác các nguồn thu, phấn đấu đạt kế hoạch HĐND tỉnh giao, nhất là nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, thu từ lĩnh vực thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường
Về tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -2020 tỉnh Ninh Bình: Có đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá việc thực hiện các chính sách của HĐND tỉnh đã ban hành để có hướng điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành chính sách mới cho phù hợp trong giai đoạn 2016-2021. Bổ sung đủ các biểu theo Phụ lục B - Hệ thống biểu mẫu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 áp dụng cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Theo văn bản số 5316 /BKHĐT-TH ngày 15 tháng 8 năm 2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bổ sung vào phần giải pháp việc chỉ đạo các cấp, các ngành rà soát các quy hoạch, kế hoạch để sửa đổi, bổ sung đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Có cơ chế chính sách tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các khu, cụm công nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao. Một số đại biểu  đề nghị nên cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch 5 năm vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; bổ sung chỉ tiêu về tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh và nước sạch vào dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI. Bổ sung các giải pháp để phát huy vai trò của tôn giáo trong việc ổn định và phát triển xã hội.
Về Tờ trình, Đề án, Dự thảo nghị quyết về việc quy định Quy định mức thu học phí đối với chương trình đào tạo đại trà trình độ Đại học, Cao đẳng, Trung cấp tại các cơ sở giáo dục công lập thuộc tỉnh Ninh Bình quản lý từ năm học 2016 - 2017 đến năm học 2020 – 2021: Đa số đại biểu cho rằng mức học phí quy định nên phù hợp với mức sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh, hiện nay mức học phí của Đại học Hoa Lư đang cao hơn so với các tỉnh đồng bằng Duyên hải Bắc bộ. Vì vậy, các đại biểu nhất trí tăng mức học phí nhưng chỉ tăng 5% so với năm học 2015-2016 để thu hút học sinh. Một số đại biểu đề nghị trường Trung cấp nghề Nho Quan năm học 2016-2017 giữ nguyên mức thu học phí như năm học trước.
Về Tờ trình, Đề án, Dự thảo nghị quyết về việc quy định mức học phí; học phí học các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên từ năm học 2016-2017 đến hết năm học 2020-2021 của tỉnh Ninh Bình: Có ý kiến nhất trí tăng không quá 20% so với năm học 2015-2016 như trong Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hoá – Xã hội. Có ý kiến đề nghị mức tăng học phí theo lộ trình, cụ thể như sau: năm 2016-2017 tăng 20% với năm học 2015-2016, năm 2017-2018 tăng 20% với năm học 2016-2017; từ năm 2018 trở đi căn cứ vào chỉ số giá tiêu dùng và tình hình thực tế của tỉnh, UBND tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất mức tăng phù hợp; một số ý kiến đề nghị mức thu học phí khu vực nông thôn chia thành 2 mức, mức áp dụng đối với khu vực nông thôn và mức áp dụng với địa bàn các xã bãi ngang, trong đó mức thu địa bàn các xã bãi ngang bằng mức thu khu vực miền núi.
Tờ trình về việc quy định mức học bổng khuyến khích học tập và sinh hoạt phí đối với học sinh hệ chuyên của trường THPT Chuyên Lương Văn Tụy được các đại biểu nhất trí cao, bởi tính thiết thực, khuyến khích tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cao, góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước.
Về tờ trình, đề án, dự thảo Nghị quyết về việc phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Đề án số 20/ĐA-UBND ngày 25/11/2014 của UBND tỉnh về Quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết sông Hoàng Long đến năm 2025 được HĐND tỉnh phê duyệt tại Nghị quyết số 33/NQ-HĐND ngày 17/12/2014: Đa số các đại biểu nhất trí việc điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, có đại biểu đề nghị làm rõ số vốn 721 tỷ đồng bổ sung trong 5 năm không nằm trong ngân sách của tỉnh. Có đại biểu đề nghị bỏ phần III “Tổ chức thực hiện” tại trang 7 của Đề án số 13/ĐA-UBND ngày 29/7/2016 vì đã được nêu đầy đủ trong Đề án số 20/ĐA-UBND ngày 25/11/2014.

Tác giả bài viết: Phan Thùy Linh - Phòng Thông tin Dân nguyện

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661