Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016-2021

Thứ tư, 03/04/2019
Sáng 30/3, tại TP.Hải Dương, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương và Ban Công tác đại biểu của Quốc hội (QH) tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ lần thứ 6, nhiệm kỳ 2016-2021 với chủ đề: "Kinh nghiệm bảo đảm hiệu quả hoạt động của HĐND cấp tỉnh và các kiến nghị sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương".
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch QH; Trần Văn Tuý, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu của QH. Cùng dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo HĐND các tỉnh; Thường trực HĐND các tỉnh Thái Nguyên, Phú Yên và 10 tỉnh, thành phố trong khu vực.
Đoàn dự hội nghị tỉnh Ninh Bình do đồng chí Bùi Mai Hoa, UVBTVTU, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm trường đoàn và các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, lãnh dạo chuyên trách các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo các phòng thuộc Văn phòng HĐND tỉnh.
Đoàn Ninh Bình tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh những năm qua, HĐND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển thành các nghị quyết của HĐND trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời ban hành, cụ thể hóa nhiều chủ trương, chính sách phù hợp với tình hình của địa phương; kiến nghị, đề xuất điều chỉnh một số cơ chế, chính sách để phù hợp với các quy định của Trung ương. Hoạt động HĐND từng bước được đổi mới, đi vào thực chất hơn. Vị thế, vai trò của cơ quan dân cử ngày càng được khẳng định trong hệ thống chính trị của tỉnh. HĐND các cấp đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho nguyện vọng và ý chí của nhân dân.
Đánh giá cao về chủ đề của hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định đây là dịp để Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, bàn các giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của Thường trực đối với hoạt động của HĐND ở các địa phương. Đồng chí nhấn mạnh hệ thống cơ quan dân cử các tỉnh, thành phố trong khu vực đã góp phần tăng cường hợp tác, liên kết chặt chẽ và toàn diện trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, thúc đẩy sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thực sự trở thành đầu tàu kinh tế của cả nước.
Báo cáo đề dẫn hội nghị do đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Công tác đại biểu của QH trình bày hoan nghênh khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ có nhiều cách làm sáng tạo, đi đầu trong việc thực hiện những điểm mới của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện luật trong hoạt động chất vấn, giải trình, tiếp xúc cử tri, giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri vẫn còn có một số hạn chế.
Trước những hạn chế trong hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh và việc triển khai thi hành Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đồng chí Trần Văn Túy đề nghị trong khuôn khổ hội nghị này, các đại biểu cùng thảo luận, đưa ra những đề xuất, giải pháp cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND, HĐND cấp tỉnh.
Tham gia thảo luận tại hội nghị, đại diện Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố và các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH cùng trao đổi về giải pháp tháo gỡ một số hạn chế, phát sinh trong thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đó là, luật không quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành nghị quyết, quyết định cá biệt của Thường trực HĐND; chưa cụ thể trường hợp nào thì Thường trực HĐND ban hành nghị quyết hoặc quyết định. Do đó, Thường trực HĐND các tỉnh còn lúng túng, chưa thống nhất về hình thức văn bản.
Nhiều ý kiến cho rằng trong hoạt động giám sát, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ, quyền hạn giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh (khoản 1, điều 112) nhưng không quy định cụ thể trình tự thủ tục giám sát, việc thành lập đoàn giám sát và sử dụng con dấu, trách nhiệm cung cấp thông tin cũng như chế tài giám sát. Luật không quy định HĐND xã có thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cấp xã...
Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh, nhiều đại biểu cho rằng yếu tố quan trọng trong việc ban hành nghị quyết là Thường trực HĐND phải chủ động lựa chọn vấn đề sát thực tiễn, đúng luật, cần chú trọng việc phản biện xã hội, lấy ý kiến của nhân dân; tổ chức khảo sát, giám sát để tiếp thu và đưa vào nghị quyết của HĐND. Các đại biểu cũng thảo luận về nhiều kinh nghiệm trong công tác tiếp xúc cử tri, lựa chọn vấn đề giám sát, việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận giám sát...
Đồng chí Trần Văn Túy, Trưởng Ban công tác đại biểu của QH, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng tiếp thu và giải đáp một số kiến nghị của đại biểu. Đối với từng kiến nghị cụ thể liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương, QH sẽ phối hợp với các bộ, ban, ngành để cùng nghiên cứu, điều chỉnh, kiến nghị sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ hoan nghênh Thường trực HĐND các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và duyên hải Bắc Bộ đã lựa chọn chủ đề hội nghị sát thực tiễn để làm rõ những hạn chế, khó khăn, đề xuất ý kiến, kiến nghị sửa đổi hoạt động của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trao đổi nhiều bài học quý trong hoạt động của Thường trực HĐND, HĐND các tỉnh, thành phố. 
Để tiếp tục thực hiện tốt chức năng quyết định của HĐND theo Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng sự kỳ vọng của cử tri, Phó Chủ tịch QH đề nghị HĐND, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tiếp tục chủ động, bám sát nhiệm vụ chính trị của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của Đảng bộ các địa phương, căn cứ theo đặc điểm, điều kiện đặc thù, trên cơ sở xác định đúng lợi thế so sánh, phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức bảo đảm tính khả thi khi cụ thể hóa các nghị quyết, quyết định các chủ trương lớn về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương. 
Mỗi đại biểu HĐND các cấp tích cực học hỏi, nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng, nâng cao trình độ, nghiệp vụ chuyên sâu để đáp ứng tốt nhất vai trò là người đại biểu nhân dân. Thường trực HĐND và HĐND các cấp tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, coi trọng đổi mới chất vấn "lời hứa", chất vấn kết quả giám sát để theo đến cùng các kiến nghị, ý kiến của cử tri; phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh trong việc giám sát, tiếp xúc cử tri... Công tác tiếp xúc cử tri cần đổi mới theo hướng mở rộng đối tượng, địa điểm tiếp xúc, thông tin công khai, đầy đủ để cử tri và nhân dân theo dõi...

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ và các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị.
Do thời gian tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để dự kiến trình QH không còn nhiều, do đó, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần tích cực tập trung, nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn chỉnh luật, đáp ứng yêu cầu.
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trân trọng cảm ơn các đại biểu đã đóng góp các ý kiến sâu sắc, tâm huyết và trách nhiệm vào chủ đề của hội nghị. Đồng chí mong muốn từ hội nghị này, Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm quý, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của HĐND cấp tỉnh.
Kết thúc hội nghị, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương đã bàn giao Cờ đăng cai hội nghị lần thứ 7 cho HĐND tỉnh Hà Nam

Tác giả bài viết: Tô Hồng Vân - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 40

Hôm nay: 394

Tổng lượt truy cập: 435621