Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình chia sẻ kinh nghiệm hoạt động tại Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026

Thứ sáu, 15/04/2022

Sáng ngày 9/4/2022, đồng chí Bùi Hoàng Hà, UVBTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh dự Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021-2026 do Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình đăng cai tổ chức với chủ đề Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của HĐND các cấp, khẳng định vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương”.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Ban của Quốc hội chụp ảnh cùng lãnh đạo HĐND các tỉnh dự hội nghị

Tại Hội nghị, đã có 7 đại biểu tham luận, đưa ra nhiều giải pháp, sáng kiến hay nhằm nâng cao chất lượng việc chuẩn bị kỳ họp HĐND tỉnh; chất lượng công tác giám sát; việc giải quyết kiến nghị của cử tri và khiếu nại, tố cáo của công dân; chất lượng và hoạt động của đại biểu HĐND. Đồng thời, có nhiều chia sẻ, góp ý, đề xuất những ý kiến cụ thể bảo đảm sự gắn kết giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp; tăng thẩm quyền cho Thường trực HĐND giải quyết những vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất để giải quyêt kịp thời yêu cầu từ thực tiễn.

Góp phần vào nội dung, chương trình Hội nghị, Thường trực HĐND tinh Ninh Binh cũng đã trao đổi, chia sẻ tham luận với chủ đề Kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn, giải trình tại kỳ họp HĐND và các phiên họp Thường trực HĐND”. Từ nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, hoạt động chất vấn của HĐND tỉnh và giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đã được đổi mới, nâng cao chất lượng, phát huy tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu HĐND; tính tranh luận, đối thoại qua từng phiên chất vấn, giải trình được tăng cường, nhiều nội dung được chất vấn, tái chất vấn giải trình đến cùng đã được giải quyết triệt để, được cử tri, dư luận đồng tình đánh giá cao. Nhằm phát huy và kế thừa những kết quả đã đạt được, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đưa ra một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND và giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND.

Về kinh nghiệm, giải pháp năng cao chất lượng hoạt động chất vấn:  Thường trực HĐND tỉnh cần lựa chọn đúng, trúng nhóm vấn đề chất vấn. Chủ tọa kỳ họp điều hành linh hoạt, dẫn dắt phiên chất vấn tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, đạt hiệu quả cao. Đại biểu HĐND, thành viên các Ban HĐND và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh nâng cao trách nhiêm tích cực trong hoạt động chất vấn. HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn Chủ tịch UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan căn cứ vào kết luận phiên chất vấn, chỉ đạo kịp thời việc giải quyết các cam kết chất vấn. Chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, điều hành phiên chất vấn.

Về kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng giải  trình: Thường trực HĐND tỉnh cần lựa chọn nội dung giải trình tập trung vào những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đông đảo cử tri quan tâm. Khi điều hành phiên giải trình, Chủ tọa điều hành linh hoạt; tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn mang tính xây dựng;  khuyến khích, động viên đại biểu tham gia đặt câu hỏi giải trình nhất là đại biểu ở cơ sở. Sau khi kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh ban hanh Kết luận phiên giải trình gửi đến các cơ quan, đơn vị có liên quan để tổ chức thực giao các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện cam kết.

Từ hoạt động thực tiễn, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình đề xuất hai ý kiến:

Một là, kiến nghị Ủy ban TVQH xem xét, ban hành một số văn bản pháp lý như: Quy chế hoạt động của HĐND các cấp; Quy định chế tài sau giám sát, trong đó quy định về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các kết luận sau giám sát; cam kết sau chất vấn; cam kết sau giải trình. Thông qua đó, đánh giá, khen thưởng đối với người thực hiện tốt và xử lý đối với người không thực hiện hoặc thực hiện chậm các kiến nghị; Quy định chung chế độ, chính sách và các điều kiện đảm bảo hoạt động của HĐND các cấp để thực hiện thống nhất trong toàn quốc.

Hai là, kiến nghị các Ủy ban của Quốc hội, Ban Công tác đại biểu, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử quan tâm, tăng cường tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng theo lĩnh vực cho thành viên các Ban HĐND, các vị đại biểu HĐND tỉnh và chuyên viên tham mưu giúp việc của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh. Xây dựng chương trình đào tạo mang tính tổng thể, đồng bộ. Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo cho phù hợp với từng đối tượng; đào tạo theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng chức danh; quan tâm tập huấn về kỹ năng phân tích chính sách, thuyết trình, phản biện, chất vấn, kỹ năng khai thác ứng dụng công nghệ thông tin; về tính đại diện và tính chuyên nghiệp của đại biểu dân cử./.

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661