Dự phiên chất vấn có các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;; Đinh Văn Điến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các vị trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND; Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; thủ trưởng các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố; đại biểu cử tri ở cơ sở.
Trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng các đơn vị: Sở Tài nguyên môi trường; Ban quản lý các khu công nghiệp; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đăng đàn trả lời chất vấn.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời chất vấn của các đại biểu đối với các nội dung: giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Chanh (đoạn Khánh Phú- Yên Khánh); giải pháp khắc phục những bất cập trong công tác quản lý đất đai, đề điều vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn (từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi); giải pháp đẩy nhanh một số dự án khu đô thị chậm triển khai thực hiện; giải pháp khắc để mở rộng diện tích Nghĩa trang Ổ Rồng (xóm 11, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn) và một số vấn đề khác thuộc thẩm quyền.
Về tình trạng chuyển nhượng đất đai, xây dựng công trình kiên cố tại các đường xương cá ở vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn (từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi) không đúng quy định, đồng chí Phạm Quang Ngọc, TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn (từ đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi) có diện tích khoảng 3.000 ha. Tháng 5/2017, qua khảo sát hiện có 1.127 hộ khai thác với diện tích trên 2.579 ha (trong đó chỉ có 139 hộ đã ký hợp đồng) và vẫn còn xảy ra tình trạng mua, bán, chuyển nhượng đầm, bãi không thông qua cơ quan quản lý nhà nước gây khó khăn cho công tác quản lý; một số trường hợp xử lý chưa dứt điểm.
Nguyên nhân chính là hệ thống chính sách pháp luật quản lý sử dụng đất bãi bồi ven sông, bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển chậm ban hành, thay đổi qua các thời kỳ, thiếu cụ thể nên rất khó khăn cho công tác quản lý. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã giao cho UBND huyện Kim Sơn, các cơ quan chức năng phối hợp hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính khu vực Đê Bình Minh 2 đến Cồn Nổi (thời gian xong trước tháng 6/2020); tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử lý đối với các trường hợp vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền quản lý, sử dụng đất, đất có mặt nước ven biển; thực hiện tốt các biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm tình hình an ninh trật tự tại khu vực...
Tiếp đó, ông Trịnh Xuân Ba, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đã trả lời chất vấn của đại biểu về tình trạng một số mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép khai thác, đã đi vào hoạt động nhưng chưa có hợp đồng thuê đất dẫn đến chưa thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào Ngân sách Nhà nước. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn 12 dự án như đại biểu đã nêu. Trong đó 8/12 dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa được Chính phủ cho phép chuyển mục đích; 4/12 dự án chưa thực hiện xong công tác GPMB. Về giải pháp khắc phục, đồng chí cho biết: Đối với các dự án liên quan đến việc sử dụng đất rừng phòng hộ, rằng đặc dụng, Sở Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn, đôn đốc các Nhà đầu tư và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và sởNông nghiệp và PTNT để tham mưu với UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án (hiện nay đang hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Chính phủ cho phép chuyển đổi).
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại kỳ họp
Đối với các dự án chưa hoàn thiện xong công tác GPMB, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp và có văn bản đôn đốc, yêu cầu các Chủ đầu tư khẩn trương, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố nơi có đất thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ thuê đất theo quy định.
Lãnh đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn đã trả lời nhiều vấn đề cử tri quan tâm như: vấn đề đầu tư, nâng cấp đoạn đường Chi Lăng đi qua khu công nghiệp Tam Điệp I có chiều dài 1,8 km đang bị xuống cấp; việc thực hiện nạo vét, hoàn trả dòng chảy khu vực cầu Gián Khẩu để mở rộng dòng chảy, đảm bảo tiêu, thoát lũ và an toàn giao thông đường thủy. Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch UBND thành phố Tam Điệp cùng tham gia giải trình về các vấn đề liên quan.
Kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: lãnh đạo UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành đã đối thoại thẳng thắn, nghiêm túc và trách nhiệm, báo cáo, giải trình khá đầy đủ những thông tin liên quan đến nội dung chất vấn, đồng thời nghiêm túc nhận những khuyết điểm của ngành mình, đưa ra giải pháp khắc phục. Tuy vậy, một số nội dung mà cử tri bức xúc, đại biểu HĐND tỉnh đã chất vấn nhiều lần qua các kỳ họp HĐND tỉnh nhưng vẫn chưa đạt được kết quả rõ nét, hiệu quả còn hạn chế. HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, thủ trưởng các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu có biện pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề mà đại biểu HĐND tỉnh đã nêu, thực hiện có hiệu quả các nội dung đã cam kết khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước và kỳ họp này, báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2020.