Theo báo cáo, qua 4 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, có bản hoàn thành mục tiêu tổng quát: “Giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2016-2020”, kết quả cụ thể: đến cuối năm 2019 toàn tỉnh có 7.898 hộ nghèo (2,57%) và 12.493 hộ cận nghèo (4,07%). Tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 là 5,59%, tỷ lệ hộ cận nghèo là 6,94%. Tại 5 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển tỷ lệ hộ nghèo là 7,7%, cận nghèo là 8,54%. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2019 là 108.961 triệu đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 101.961 triệu đồng, nguồn vốn huy động khác khoảng 7 tỷ đồng. Đã phân bổ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo; duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng và hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài; thực hiện truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình. Bên cạnh kết quả đạt được còn những hạn chế, bất cập: văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình còn muộn, huy động nguồn vốn xã hội còn thấp; mô hình giảm nghèo chưa nhiều, quy mô mô hình còn nhỏ, mức đầu tư thấp; sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc lập kế hoạch chi tiết giảm nghèo tại địa phương, cơ sở còn hạn chế; còn tình trạng phát sinh hộ tái nghèo, phát sinh nghèo; một số địa phương chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách giảm nghèo; công tác quản lý ở một số nơi chưa tốt còn xảy ra tình trạng lợi dụng chính sách, chưa thực hiện đúng quy trình, tiêu chí theo quy định, công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chưa thường xuyên, chưa sâu sát…
Tại buổi làm việc đã có 07 lượt đại biểu phát biểu ý kiến, các ý kiến cơ bản thống nhất với báo cáo và đề nghị bổ sung, phân tích, làm rõ một số nội dung:
Có đại biểu đề nghị bổ sung số liệu thu nhập bình quân các hộ tham gia dự án hỗ trợ; đánh giá rõ hơn việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chương trình đã phù hợp với thực tiễn, hiệu quả của chính sách; thống nhất số liệu của Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình với báo cáo của sở về một số chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình. Đánh giá rõ hơn về công tác đào tạo nghề, xuất khẩu lao động; xử lý, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập khi tiến hành bình xét hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều; chỉ rõ hơn những sai sót, tồn tại qua thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, bất cập…
Trao đổi, giải trình làm rõ các ý kiến của thành viên Đoàn giám sát có đại diện lãnh đạo các phòng và lãnh đạo Sở. Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Định, Trưởng ban Kinh tế -Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện bổ sung vào báo cáo gửi Đoàn giám sát, trong đó quan tâm tới các kiến nghị về sửa đổi những bất cập, hạn chế trong thực hiện các chính sách của Trung ương, của tỉnh để trong thời gian tới triển khai các nhiệm vụ thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả tốt hơn./.