Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Dự hội nghị lấy ý kiến về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

Thứ năm, 11/04/2019
Ngày 09/4/2019, đồng chí Dương Viết Yên, Phó Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tham dự Hội nghị lấy ý kiến về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khu vực phía bắc được tổ chức tại Nhà khách Quốc hội Hà Nội.
Đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chủ trì hội nghị. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo Ủy ban các vấn đề xã hội, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Đoàn ĐBQH và HĐND một số tỉnh phía Bắc; đại diện Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Tư Pháp, Bộ Tài chính; đại diện các công ty, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia, rượu, nước giải khát và một số các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Đây là lần thứ 5, Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến để hoàn thiện, trình dự án Luật tại Phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hội nghị có 5 Báo cáo viên tham luận về thực trạng quản lý, quảng cáo, khuyến mại, tài trợ của rượu, bia … Tại Hội nghị các Báo cáo viên và các đại biểu, chuyên gia thảo luận sôi nổi. Theo đại diện Bộ Công thương, tại Việt Nam, rượu, bia là hai sản phẩm đồ uống có chứa cồn phổ biến, chiếm khoảng 99,7% thị phần; sản xuất rượu bia giữ một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; đóng góp quan trọng cho ngân sách và giải quyết được công ăn việc làm cho nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp, tham gia nhiều vào công tác từ thiện. Song, việc sử dụng rượu bia cũng gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, kinh tế, các vấn đề xã hội và môi trường. Do đó, hậu quả của rượu bia không chỉ là vấn đề của y tế công cộng mà còn là vấn đề xã hội đòi hỏi phải có sự tham gia vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành, và việc ban hành Luật là cần thiết. Dự án Luật gồm 7 chương, 32 điều. các đại biểu quan tâm và có ý kiến nhiều nhất về các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Điều 5 và Quản lý đối với quảng cáo rượu, bia dưới 5,5 độ cồn được quy định tại điều 9. Một số đại biểu cho rằng, cần phải phân tích rõ được tính khả thi của Dự luật, việc ra đời của Dự luật liệu có đảm bảo được những tiêu chí đã đề ra về sức khỏe, xã hội hay là lại phát sinh thêm một số tồn tại khác.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cảm ơn các ý kiến quý báu, tâm huyết của các đại biểu, các chuyên gia, nghiên cứu, đồng chí mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến đóng góp vào dự án Luật để cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thêm nhiều thông tin, căn cứ để tổng hợp, hoàn thiện./.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Hằng - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 52

Hôm nay: 235

Tổng lượt truy cập: 435462