Dự buổi sinh hoạt chính trị có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh, lãnh đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động 2 cơ quan.
Sau nghi thức chào cờ, đồng chí Lê Thu Hà, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Văn hóa - Xã hội kể câu chuyện Bác Hồ với mùa Xuân thành lập Đảng và kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Ninh Bình lần thứ 2 (10/02/19747).
79 tuổi đời, 30 năm đi khắp thế giới tìm con đường cứu nước, Bác Hồ đã có biết bao mùa Xuân đáng ghi nhớ. Nhưng mùa Xuân năm 1930 có thể nói là mùa Xuân lịch sử đối với Bác và cũng là mùa Xuân lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Mùa xuân Canh Ngọ 1930, nhận được liên lạc của Quốc tế cộng sản, Bác Hồ của chúng ta từ một vùng quê ở Thái-lan, đáp xe lửa đi Băng-Cốc, rồi đi tàu thuỷ đến Xanh-ga-po. Tại đây, Người chuyển sang một con tàu khác đi Hồng-Kông. Ngồi trên tàu, qua cánh cửa, Bác được nhìn thấy bờ biển Tổ quốc thấp thoáng nơi chân trời. Nỗi nhớ nước, thương nhà làm tim Người thắt lại! Nỗi đau riêng của gia đình (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh ra Người đã qua đời) hoà trong nỗi đau chung của cả một dân tộc. Bác nghĩ đến những đêm dài nô lệ, biết bao sĩ phu yêu nước đã tập hợp nhân dân, giương cao ngọn cờ chống giặc ngoại xâm. Nhưng những cuộc nổi dậy ấy đều bị dìm trong biển máu. Và trách nhiệm lịch sử nặng nề ấy đã đặt lên vai những người cộng sản. Ba tổ chức cộng sản ở Bắc, Trung, Nam được thành lập. Song yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một Đảng thống nhất trong nước. Các đồng chí Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn đã bí mật ra tận cảng biển để đón Bác. Sau khi bàn bạc với các đồng chí của mình, liên lạc với các đồng chí quen biết cũ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bác quyết định tổ chức hội nghị hợp nhất các Đảng Cộng sản ở Việt Nam vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ở Việt Nam và Trung Quốc, Tết Nguyên đán là ngày hội cổ truyền, thường kéo dài hàng tuần, người đi lại rất đông. Chính trong dịp này, những đại biểu tham dự hội nghị có thể đi khỏi đất nước mà không ai để ý. Hội nghị họp từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 2 năm 1930 tại Cửu Long (Trung Quốc) thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế là kể từ ngày rời bến Nhà Rồng năm 1911, ước mơ thiêng liêng của Người nay đã thành sự thật. Ngày cuối cùng của hội nghị, Bác tổ chức một bữa cơm nhỏ ngay tại phòng ở của mình. Khi các đại biểu đã ngồi xung quanh bàn. Người xúc động nói: "Các đồng chí! Hôm nay là ngày lịch sử của chúng ta. Lênin vĩ đại đã nói: Chỉ Đảng nào có được một lý luận tiên phong, mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong. Bây giờ chúng ta đã có một Đảng như thế rồi - Đảng của giai cấp công nhân Việt Nam. Nhân dân ta từ xưa đã có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhưng suốt những năm ấy nhân dân ta lại thiếu người cầm lái sáng suốt. Giờ đây, Đảng của chúng ta phải gánh lấy vai trò này, và tôi tin rằng Đảng ta sẽ dẫn dắt nhân dân ta đến thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành Độc lập, Tự do cho Tổ quốc thân yêu". Thế là mơ ước thiêng liêng và mục tiêu cao cả, mà gần hai mươi năm qua, kể từ khi Người ra đi từ bến Nhà Rồng để tìm đường cứu nước, nay đã trở thành sự thật. Cách mạng Việt Nam từ nay đã có một đội quân tiên phong đoàn kết chiến đấu.
Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt kỳ diệu, đánh dấu một mốc son chói lọi trên con đường phát triển của dân tộc ta. 90 năm qua, dù con đường đi lên có lúc quanh co, phức tạp, dù có lúc phạm khuyết điểm sai lầm, nhưng có bản lĩnh vững vàng, thực sự khiêm tốn, cầu thị, Đảng ta gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân tin yêu, ủng hộ, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX, mà đỉnh cao là thắng lợi của Cách mạng tháng 8 năm 1945; thắng lợi của các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc; thắng lợi của công cuộc đổi mói, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm lần thứ 2 Bác Hồ về thăm Ninh Bình.
Giữa lúc cuộc kháng chiến, kiến quốc chống thực dân Pháp diễn ra cam go, quyết liệt, để kêu gọi toàn dân ủng hộ kháng chiến, Bộ Canh Nông tổ chức Hội nghị Điền chủ toàn tỉnh Ninh Bình tại xã Lạng Phong, huyện Nho Quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về dự và chủ trì Hội nghị.
Phát biểu với Hội nghị, Hồ Chủ tịch chỉ rõ, đồng bào tản cư, di cư đã vì lòng yêu nước không chịu theo giặc, tiêu thổ kháng chiến, hy sinh nhà cửa, tài sản quê hương sơ tán về hậu phương để tiếp tục kháng chiến chống giặc xâm lược. Đồng bào ở địa phương có nhiệm vụ ân cần đón tiếp, chăm sóc, giúp đỡ bà con nhanh chóng có nơi ăn, ở, sản xuất. Muốn làm được việc này ta phải có kế hoạch cụ thể, chu đáo đến từng nhà, từng người. Ta phải đồng tâm hiệp lực giúp đỡ nhau. Các kỹ nghệ gia, thương gia, nông gia đều phải giúp vào việc này và phải giúp đỡ nhau để phát triển. Người mong muốn cán bộ tỉnh Ninh Bình, huyện Nho Quan, các điền chủ và nhân dân Ninh Bình hết sức cố gắng vào công việc này, sao cho Ninh Bình là một tỉnh kiểu mẫu cho các tỉnh noi theo.
Sau hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm tu viện Châu Sơn, nơi xin nhận 120 đồng bào tản cư đến ở. Người thăm nhà thờ lớn, khu tu hành. Từ linh mục đến các tu sỹ, người phục vụ đều hân hoan đón chào Người và đều hứa với Người sẽ tận tâm giúp đỡ đồng bào tản cư.
Như vậy, trong khoảng 15 năm từ tháng 01/1946 đến tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 5 lần về thăm, làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Ninh Bình. Mỗi lần Bác về là một lần Bác giao cho nhân dân Ninh Bình những nhiệm vụ cụ thể phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước như: Đoàn kết lương - giáo, tăng gia sản xuất, diệt giặc đói, giặc dốt, xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng, đoàn kết dân chủ…Mong muốn và căn dặn của Người đối với Ninh Bình còn có ý nghĩa hôm nay và mãi mai sau, nhắc nhỏ trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức chúng ta thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu xây dựng quê hương Ninh Bình ngày một phát triển, giàu đẹp hơn.
Nghĩ về bác, mỗi chúng ta càng phải trách nhiệm hơn, mỗi chúng ta phải biết trân trọng quá khứ, nâng niu giữ gìn những thành quả của cách mạng, biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấu hiểu, tin tưởng và tự hào thêm về dân tộc; tự hào về Đảng ta.