Đồng chí Đ/c Lê Thu Hà, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội Chủ trì hội nghị; cùng dự có Đ/c Dương Viết Yên, Phó Trưởng Ban và các thành viên Ban Văn hóa xã hội HĐND tỉnh; Về dự có các đồng chí đại diện Lãnh đạo: Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng HĐND tỉnh, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo và các đồng chí hiệu trưởng, Giám đốc các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Qua thảo luận, các đồng chí đều nhận định Đề án có đầy đủ căn cứ pháp lý, xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Nguyên tắc xác định học phí tính toán trên cơ sở có sự cân đối giữa hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của người học, thực hiện theo lộ trình giảm dần bao cấp của Nhà nước là phù hợp với quy định tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Có đại biểu nêu nguyên tắc xác định học phí nhằm giảm bớt ngân sách nhà nước, tiến tới các trường tự chủ về tài chính, tuy nhiên trong Đề án ta thấy Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các trường ngày càng tăng, mà học phí tăng dẫn đến học sinh, sinh viên giảm, như vậy Đề án không đảm bảo được mục tiêu đề ra. Dự kiến mức học phí phải khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế và mức sống của người dân. Để bảo đảm tính khả thi và theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì phải lấy ý kiến của các đối tượng - mà trực tiếp là người học. Các cơ sở giáo dục phải công khai mức học phí từng năm học hay toàn khóa học. Một số đại biểu có ý kiến Đề án cần rút gọn phần “sự cần thiết”, mục tiêu chưa rõ, Đề án chưa có dự báo về quy mô đào tạo.
Nhiều ý kiến cho rằng, mức học phí năm học 2016-2017 xây dựng khoảng 90% mức trần khung học phí bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp quy định tại Nghị định 86 và tăng đều khoảng 10% qua các năm là cao so với mặt bằng các tỉnh trong khu vực và phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên với điều kiện hoạt động của các trường còn khó khăn, tuyển sinh các năm giảm, nên nguồn thu từ học phí giảm dần và chỉ đáp ứng khoảng 20% tổng chí, do vậy, cần thực hiện tái cơ cấu tổ chức, bộ máy các trường cho phù hợp, nhằm thực hiện lộ trình tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Kết luận Hội nghị, Ban Văn hóa – Xã hội nhất trí với mức thu học phí theo đề nghị của UBND tỉnh. Đề nghị UBND tỉnh sớm có phương án điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức, hoạt động của các trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ lao động có tay nghề cao cho tỉnh. Đồng thời thực hiện mục tiêu từng bước giảm dần bao cấp của nhà nước và tăng khả năng tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Thủ tướng Chính phủ.