Main
Thứ sáu, ngày 04/10/2024

Yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân

Thứ tư, 26/08/2020
Hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu dân cử. Qua thực tiễn TXCT của ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp cho thấy hiệu quả hoạt động TXCT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cả yếu tố mang tính khách quan và chủ quan. Cụ thể:
Yếu tố chính trị: Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân. Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực Nhà nước. ĐBQH, đại biểu HĐND là những người thay mặt Nhân dân, được Nhân dân ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước. Sự đại diện cho Nhân dân của người đại biểu được gắn với bản chất của hoạt động TXCT, đồng thời, sự đại diện này được thể hiện rõ nét ở phương diện chính trị. Cội nguồn, bản chất của hoạt động TXCT thể hiện ở quan hệ “ủy quyền” của cử tri cho ĐBQH, đại biểu HĐND, người đại diện của họ. Mô hình phổ biến nhất hiện nay được các nước phát triển áp dụng là mô hình “ủy quyền theo tín thác” hay còn gọi là “ủy quyền tự do”. Trong mô hình này thì người được uỷ quyền tiếp xúc để hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, đồng thời đưa ra các quyết định trên cơ sở hiểu biết và sự phán xét của riêng mình. Ở nước ta, tổ chức bộ máy Nhà nước nói chung, địa vị pháp lý của ĐBQH, đại biểu HĐND nói riêng được xác định trên cơ sở học thuyết Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Ở mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta có những phương thức và giải pháp củng cố, phát huy vai trò của Quốc hội, HĐND, tạo điều kiện để đại biểu dân cử thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước. Do vậy, ở nước ta, ĐBQH, đại biểu HĐND tiếp xúc để hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; hoạt động vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích của Nhân dân địa phương và nhân dân cả nước. Yếu tố chính trị đã trao cho ĐBQH, đại biểu HĐND quyền năng để thực hiện nhiệm vụ gắn liền với mối liên hệ với cử tri.
Yếu tố pháp lý: Đây là yếu tố quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến hoạt động TXCT. Mặc dù quy định của pháp luật về TXCT của ĐBQH, đại biểu HĐND ngày càng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng rõ ràng, cụ thể song vẫn chưa đầy đủ, toàn diện, đặc biệt là còn thiếu những biện pháp pháp lý đủ mạnh để hoạt động này được thực thi có hiệu quả.
Pháp luật quy định chương trình hội nghị TXCT còn rườm rà, nặng về thủ tục hành chính, chưa dành nhiều thời gian vào hoạt động chính là việc cử tri và đại biểu trao đổi, thảo luận, giải trình và tiếp thu ý kiến. Vì vậy, cần thiết kế lại quy trình tiến hành hội nghị TXCT cho phù hợp và linh hoạt với các hình thức tiếp xúc khác nhau. Pháp luật hiện hành tuy đã có quy định song vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình tập hợp, tổng hợp, giải quyết kiến nghị của cử tri, trong đó phải quy định cụ thể đối với nguồn thông tin để tập hợp, tổng hợp, xử lý các kiến nghị để phản ánh đầy đủ, khách quan tâm tư, nguyện vọng của cử tri.  
Bên cạnh đó, hiện nay pháp luật quy định thiếu tính ràng buộc pháp lý, mới chỉ nêu là “có trách nhiệm giải quyết kiến nghị của cử tri“, còn chế tài cụ thể trong việc giải quyết thì lại không có. Pháp luật không quy định chế tài xử lý khi giám sát phát hiện các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kiến nghị của cử tri thì sẽ xử lý như thế nào. Riêng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, theo quy định thì “trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội thảo luận và ra nghị quyết về việc giải quyết kiến nghị của cử tri”. Vấn đề đặt ra ở đây là “trong trường hợp cần thiết” là như thế nào? “cần thiết” và “không phải là cần thiết” thì lại không lượng hóa được, không có một căn cứ nào để so sánh cho nên xác định “trường hợp cần thiết” lại phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Vì vậy, quy định “trong trường hợp cần thiết” đang trở thành “rào cản”,  nhiều vấn đề được cử tri phát hiện và phản ánh tại các cuộc TXCT nhưng không được quan tâm giải quyết. Việc thực hiện giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri phụ thuộc rất lớn vào tinh thần trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Do vậy, cần bổ sung cơ sở pháp lý toàn diện, khả thi và phù hợp để ĐBQH, đại biểu HĐND và cử tri thực hiện quyền năng của mình. Đặc biệt là việc đảm bảo pháp lý của chế tài giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cần cụ thể, đầy đủ và đủ mạnh để hoạt động TXCT hiệu quả thiết thực.
Yếu tố từ Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND: Hoạt động TXCT được thực hiện từ hai phía đại biểu và cử tri, thể hiện mối quan hệ trách nhiệm về chính trị, pháp lý của đại biểu đối với cử tri. Làm thế nào để thu thập, khai thác được nhiếu ý kiến, kiến nghị của cử tri, phát huy được tâm huyết, trách nhiệm của cử tri đối với hoạt động của ĐBQH, HĐND phụ thuộc rất nhiều vào vai trò của đại biểu. Đại biểu cần có kỹ năng tuyên truyền, giải thích để cử tri nắm vững và hiểu rõ vấn đề; kỹ năng nghe cử tri nói và liên hệ, nhận định tình hình. Trong đối thoại, đại biểu phải thực sự cởi mở, chú tâm và có những biểu cảm phù hợp tạo sự cảm thông, cộng cảm để cử tri thật sự tin tưởng, hy vọng vào người mà họ đã tin cậy ủy quyền. Yếu tố quan trọng đối với đại biểu khi TXCT là kỹ năng phát hiện vấn đề, nó giúp đại biểu dân cử lựa chọn, chắt lọc từ những bức xúc có khi mang tính vấn đề cá biệt, riêng lẻ của một vài cử tri khái quát, đúc rút thành những vấn đề chung mang tính đại diện để hình thành các tư liệu sống của thực tiễn, góp phần xây dựng chính sách, pháp luật. Vì vậy, TXCT có chất lượng là khi các tư liệu thu được từ phản ánh của cử tri trở thành ý chí của đại biểu. Nếu không có những hành động, những thao tác kỹ thuật và trách nhiệm của đại biểu sẽ ảnh hưởng tới hoạt động TXCT, đó là tạo nên sự hào hứng và trách nhiệm của cử tri tham gia đối thoại, cung cấp thông tin. Điều này phụ thuộc vào kiến thức, kinh nghiệm, tố chất và bản lĩnh của người đại biểu dân cử trong hoạt động TXCT.
Yếu tố từ cử tri: Thực tiễn cho thấy, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết với đất nước, với địa phương, nêu cao trách nhiệm công dân nhưng vì nhận thức hạn chế về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của các cuộc bầu cử ĐBQH, HĐND các cấp nên một bộ phận cử tri có biểu hiện bàng quan, lơ là công việc quan trọng này, do đó họ cũng bàng quan, không quan tâm đến hoạt động TXCT. Số cử tri chủ động, mạnh dạn và phát huy trách nhiệm trong việc tham gia hoạt động TXCT chưa nhiều, số lượng ý kiến đóng góp còn hạn chế, nội dung đóng góp còn thiếu tính cụ thể. Nhiều cử tri, nhất là cử tri ở vùng sâu, vùng xa do còn khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nên chưa hiểu rõ về quyền và trách nhiệm của mình. Một bộ phận cử tri thì lại chủ yếu trình bày vụ việc khiếu nại, tố cáo, làm mất khá nhiều thời gian trong cuộc TXCT. Những vấn đề nêu trên cho thấy một khía cạnh quyền làm chủ chưa đi đôi với năng lực và kỹ năng làm chủ của công dân là một thực tế hiện nay. Điều này đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trình độ và nhận thức về dân chủ cho nhân dân, bồi dưỡng kỹ năng thực hành dân chủ, nâng cao năng lực làm chủ của Nhân dân để bảo đảm trách nhiệm hai chiều trong mối quan hệ giữa đại biểu với cử tri.
Yếu tố về các cơ quan, đơn vị phối hợp: Sự phối hợp của hệ thống chính trị và sự hỗ trợ của cộng đồng là yếu tố quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu TXCT. Đó là trách nhiệm phối hợp của UBND, Thường trực HĐND và UBMTTQ để xây dựng kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, chủ trì, phối hợp tổ chức các hội nghị TXCT; phối hợp, phân công việc trả lời, tiếp thu ý kiến cử tri; tổng hợp, chuyển đến các cơ quan giải quyết kiến nghị của cử tri. Việc phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch TXCT cần bảo đảm để tổ chức TXCT sao cho thuận lợi, nhịp nhàng và rõ trách nhiệm. Phải bố trí được thời gian thỏa đáng để thực hiện công việc chính là cử tri và đại biểu phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận về những vấn đề mà cử tri quan tâm; hạn chế tính hành chính trong các cuộc TXCT, tạo được không khí cởi mở, gần gũi, gắn bó, trách nhiệm giữa đại biểu với cử tri. Đặc biệt, cần chú ý quan tâm tổ chức TXCT ở những địa phương, đơn vị đang có những vấn đề nổi cộm, nhiều cử tri đang bức xúc.
Yếu tố về công cụ hỗ trợ và tài chính bảo đảm cho hoạt động TXCT: ĐBQH, đại biểu HĐND đến từ nhiều ngành, nghề khác nhau, hầu hết hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian hoạt động của đại biểu bị chi phối nhiều bởi công tác chuyên môn. Do đó, để đại biểu có thể phản ánh đầy đủ tiếng nói của Nhân dân thông qua hoạt động TXCT thì cần có bộ máy tham mưu, giúp việc năng động và hiệu quả. Nghĩa là Văn phòng phục vụ phải được kiện toàn đủ mạnh với cơ cấu tổ chức hợp lý, đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, thành thạo nghiệp vụ, kỹ năng trong tham mưu, giúp việc hoạt động của Đoàn ĐBQH và của HĐND. Bên cạnh đó, cần có cơ chế cung cấp thông tin đảm bảo tính chính xác, kịp thời, tạo cơ sở để ĐBQH, đại biểu HĐND nắm bắt, phân tích và đưa tiếng nói của cử tri đến các hoạt động tại Quốc hội, HĐND. Một điều tế nhị nhưng cũng cần phải đảm bảo đó là các điều kiện cơ sở vật chất và chế độ lương bổng xứng đáng giúp đại biểu thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ người đại biểu nói chung và TXCT nói riêng.
TXCT là nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên của ĐBQH và đại biểu HĐND. Là hạt nhân cấu thành cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân là Quốc hội và cơ quan quyền lực của Nhà nước ở địa phương là HĐND, các ĐBQH, đại biểu HĐND có trách nhiệm thường xuyên giữ mối liên hệ và tiếp xúc với cử tri đã tín nhiệm bầu ra mình, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Nếu không giữ mối liên hệ gắn bó với cử tri, đại biểu sẽ xa rời thực tiễn, quan liêu, không thể đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, không thể thay mặt Nhân dân quyết định các công việc quan trọng của đất nước, của địa phương. Để hoạt động của ĐBQH, đại biểu HĐND nói chung, hoạt động TXCT của ĐBQH, đại biểu HĐND nói riêng thực sự hiệu quả cần phải tạo môi trường chính trị, pháp lý cần thiết, có cơ chế hỗ trợ đầy đủ về vật chất, kỹ thuật, thông tin, đồng thời nâng cao năng lực của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là trí tuệ, bản lĩnh của người đại biểu dân cử.
                                             

Tác giả bài viết: Vũ Tùng Lâm - Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4

Hôm nay: 63

Tổng lượt truy cập: 427846