Main
Chủ nhật, ngày 22/12/2024

Một số vấn đề lý luận về hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND

Thứ ba, 06/09/2016
Theo Từ điển tiếng Việt, chất vấn - hiểu theo nguyên nghĩa - là “hỏi và đề nghị giải thích rõ về điều gì, việc gì”. Tuy nhiên, trong hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước, chất vấn có nội hàm rộng hơn nhiều. Điều 2 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã giải thích cụ thể hơn về chất vấn của đại biểu HĐND, đó là “việc đại biểu HĐND nêu vấn đề thuộc trách nhiệm của Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án TAND, VIện trưởng VKSND, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND cùng cấp và yêu cầu những người này trả lời về trách nhiệm của mình đối với vấn đề được nêu”.
Như vậy, có thể nói, chất vấn gắn liền với hoạt động giám sát - một trong những chức năng quan trọng của của cơ quan dân cử. Hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND thực chất là một hình thức giám sát trực tiếp của HĐND, trong đó đại biểu - với tư cách là người đại diện có thẩm quyền của nhân dân, đưa ra yêu cầu đối với người bị chất vấn theo quy định của pháp luật, buộc người bị chất vấn phải giải trình trước cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương về những khuyết điểm, hạn chế trong hoạt động của cơ quan mà người đó phụ trách, về trách nhiệm, nguyên nhân và biện pháp khắc phục các khuyết điểm đó.
Ở cấp độ chung, mục đích của hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND là bảo đảm cho sự đúng đắn, minh bạch, liên tục trong hoạt động của từng cá nhân trong bộ máy Nhà nước nói chung, trên cơ sở tuân thủ thường xuyên, nghiêm chỉnh các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định. Nghĩa là, hoạt động chất vấn nhằm xây dựng, thúc đẩy công việc, thúc đẩy tính tích cực trong hoạt động của các cơ quan nhà nước ở địa phương vì lợi ích của nhân dân, nâng cao trách nhiệm chính trị của người đứng đầu cơ quan nhà nước để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Nhà nước và nhân dân giao phó.
Ở cấp độ cụ thể, tùy thuộc vào ý chí của chủ thể chất vấn, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND có những mục đích sau:
Trước hết, hoạt động chất vấn là để làm rõ trách nhiệm của các đối tượng bị chất vấn.
Thứ hai, hoạt động chất vấn, xét về một khía cạnh nào đó, còn là sự cảnh báo của HĐND về một vấn đề hay một tình trạng cần được lưu ý giải quyết. Sự cảnh báo này nhằm nâng cao tính dự đoán và trách nhiệm phải nhìn nhận trước vấn đề của người quản lý.
Thứ ba, hoạt động chất vấn cũng có mục đích cung cấp thông tin. Bằng cách chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh có thể yêu cầu thủ trưởng các cơ quan nhà nước ở địa phương cung cấp, chia sẻ thông tin một cách chính thức thông qua trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản. Đồng thời qua đó, kiểm tra, đánh giá năng lực của thủ trưởng các cơ quan nhà nước trong việc nắm bắt, điều hành lĩnh vực được phân công, năng lực tổng hợp, thuyết trình trước kỳ họp…
Thứ tư, hoạt động chất vấn thu hút sự chú ý rộng rãi của công luận về vấn đề nào đó nhằm tạo sức ép lên người đứng đầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền để vấn đề được giải quyết nhanh hơn.
Khi các vị đại biểu HĐND tỉnh hỏi một cá nhân nào đó theo thủ tục chất vấn thì thông tin, số liệu không phải là vấn đề chính. Vấn đề chính ở đây là: Người bị chất vấn có biết về việc đó không? Tại sao lại để nó xảy ra? Hướng xử lý, giải quyết vấn đề như thế nào? Cần phải rút kinh nghiệm ở đâu? Chế độ trách nhiệm ra sao? Cá nhân người bị chất vấn có nhận thức được trách nhiệm của mình trước HĐND, trước nhân dân không?
Có thể hình dung đường đi nước bước của việc áp đặt trách nhiệm như sau: Đầu tiên là xác định phạm vi trách nhiệm của người trả lời chất vấn; tiếp theo, người trả lời cần phải giải trình trước HĐND những vấn đề được hỏi đến, nếu HĐND thỏa mãn với sự giải trình đó, coi như đã “trả bài” xong. Nếu không, bước tiếp theo sẽ là quy trách nhiệm - có thể dưới hình thức một nghị quyết (mà bỏ phiếu tín nhiệm là một trong những hình thức quy trách nhiệm).
Hoạt động chất vấn có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND nói chung và của đại biểu HĐND nói riêng, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cá nhân người bị chất vấn và hiệu quả hoạt động của cơ quan mà họ phụ trách, thúc đẩy việc hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương.
Đối với đại biểu HĐND tỉnh, thông qua hoạt động chất vấn, đại biểu có thể nâng cao sự hiểu biết của mình vì muốn chất vấn “đúng và trúng”, để người bị chất vấn “tâm phục, khẩu phục” đòi hỏi đại biểu phải sâu sát cơ sở, nghiên cứu kỹ lưỡng, nắm chắc vấn đề. Việc tìm hiểu thông tin để tiến hành chất vấn giúp đại biểu có được hệ thống tri thức lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn cũng là diễn đàn để đại biểu thể hiện trình độ, năng lực, rèn luyện bản lĩnh, dũng khí của mình. Chất vấn là phương thức để đại biểu thực hiện vai trò người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương.
Đối với hoạt động của HĐND, chất vấn là công cụ hữu hiệu để thực hiện chức năng đại diện, chức năng giám sát; là biện pháp quan trọng thực hiện dân chủ, nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của HĐND trong bộ máy chính quyền ở địa phương. Thông qua hoạt động chất vấn, HĐND có cơ sở thực tiễn để kiểm tra, đánh giá chất lượng hoạt động và trách nhiệm quản lý điều hành của cá nhân người đứng đầu và các cơ quan trong bộ máy nhà nước; phân tích tác động của cơ chế chính sách, pháp luật đến đời sống kinh tế - xã hội, làm rõ hiệu quả và phát hiện những bất cập, yếu kém trong việc thực thi pháp luật. Cũng thông qua hoạt động chất vấn, HĐND có thêm thông tin để xem xét, đánh giá hiệu quả các nghị quyết của HĐND và có biện pháp điều chỉnh chính sách cho phù hợp, góp phần thực hiện tốt chức năng quyết định các chủ trương, biện pháp phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Đối với cá nhân người được chất vấn và cơ quan họ phụ trách, hoạt động chất vấn là tấm gương phản chiếu để tự soi lại mình, giúp họ có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn đối với lĩnh vực được phụ trách quản lý. Người được chất vấn qua đây có dịp rà soát lại công việc của mình, nhìn lại mình để rút kinh nghiệm và làm tốt hơn trách nhiệm được giao
Đối với cử tri và nhân dân trong tỉnh, qua hoạt động chất vấn, có thể đánh giá được những đại biểu mà mình đã tin tưởng bầu ra có thực sự là đại diện cho nhân dân hay không? Đánh giá hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND, TAND, VKSND; đánh giá được trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành. Những “công bộc” của nhân dân trả lời công khai trước công chúng như thế nào, có thực sự cầu thị, dám nhận và dám chịu trách nhiệm, đưa ra hướng giải quyết những vấn đề bức xúc mà cử tri và xã hội quan tâm hay chỉ đổ lỗi cho khách quan hoặc đưa ra những lời giải thích, tự bào chữa cho sự thiếu trách nhiệm của mình. Hoạt động chất vấn chính là “kênh” quan trọng để nhân dân giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức nhà nước.
Tóm lại, hoạt động chất vấn của đại biểu HĐND là hình thức giám sát trực tiếp nhất, dân chủ nhất, tiếp nhận và giải quyết thông tin kịp thời nhất, trong đó đại biểu HĐND - với tư cách là người đại diện có thẩm quyền của nhân dân, yêu cầu người bị chất vấn theo quy định của pháp luật phải giải trình làm rõ trách nhiệm về những vấn đề thuộc phạm vi quản lý, phụ trách của mình. Đây là hình thức giám sát quan trọng, có vai trò to lớn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương. Để đánh giá hiệu quả hoạt động chất vấn cần dựa trên những tiêu chí nhất định và để người đại biểu thực hiện hiệu quả quyền năng chất vấn của mình, cần tạo môi trường chính trị, pháp lý cần thiết, có cơ chế hỗ trợ đầy đủ về vật chất, kỹ thuật, thông tin, đồng thời nâng cao năng lực của các chủ thể có liên quan, đặc biệt là trí tuệ, bản lĩnh của người đại biểu HĐND./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Nhung - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 66

Tổng lượt truy cập: 439283