Dự phiên họp có các đồng chí Thường trực HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh; Tổ trưởng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành, đoàn thể có liên quan; Thường trực HĐND các huyện, thành phố; lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư.
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Trần Hồng Quảng - Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm hiện nay đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn, đó là vấn đề dư lượng hoá chất bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, hoá chất bảo quản trong nông sản thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát một cách chặt chẽ. Vấn đề chế biến thực phẩm còn nhiều hạn chế; việc kiểm soát thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm nhập lậu còn chưa hiệu quả... gây tổn thất lớn về sức khỏe, tính mạng của người dân và thiệt hại về kinh tế- xã hội.
Với những vấn đề nêu trên, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình về “Thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm” với mong muốn sau phiên giải trình này sẽ làm rõ hơn trách nhiệm của UBND tỉnh và các ngành, các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị, giải pháp hữu hiệu để đạt được mục đích là thực phẩm của Việt Nam bảo đảm an toàn cho người dân sử dụng và đáp ứng các tiêu chuẩn để xuất khẩu.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị thủ trưởng các cơ quan, đơn vị là đối tượng giải trình cần nghiên cứu kỹ câu hỏi, trả lời gắn gọn đúng trọng tâm, trọng điểm, làm rõ những hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan; nêu rõ biện pháp, giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra.
Các vị đại biểu HĐND tỉnh xem xét kỹ nội dung trả lời của lãnh đạo các ngành; phát huy tinh thần trách nhiệm, phát biểu ý kiến, đặt các câu hỏi liên quan đến nội dung giải trình phải rõ để các cơ quan trả lời tại phiên họp. Các đại biểu lãnh đạo UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố với chức năng, nhiệm vụ của mình theo phân cấp quản lý tích cực tham gia vào các nội dung giải trình và sát sao trong việc chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, ban, ngành tổ chức tốt việc thực hiện các cam kết sau giải trình.
Tại phiên giải trình, lãnh đạo các sở: Y tế, sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo UBND huyện Hoa Lư đã giải trình các nội dung liên quan đến trách nhiệm của ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước về thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, lãnh đạo sở Y tế đã giải trình các câu hỏi chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm và giải pháp của ngành y tế để khắc phục tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể; năng lực thực tế của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh có đáp ứng được các yêu cầu xét nghiệm các mẫu kiểm tra của các cơ quan trên địa bàn hay không?...
Lãnh đạo Sở Công thương trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về trách nhiệm của sở trước tình trạng nhiều hàng hóa thực phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và không truy xuất được nguồn gốc nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường tỉnh…Ngoài ra, Giám đốc Sở Công thương còn giải trình các chất vấn của đại biểu về công tác quản lý nhà nước đối với các chợ trên địa bàn tỉnh, việc quản lý khu giết mổ kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống; giải pháp để ngăn ngừa, kiểm soát tình trạng nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh rượu không có nguồn gốc; về độ an toàn thực phẩm trong các siêu thị, cửa hàng kinh doanh các thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh.
Tiếp đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh giải trình một số nội dung xung quanh trách nhiệm của ngành trong công tác quản lý nhà nước trước tình trạng sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn chưa được kiểm kiểm soát chặt chẽ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh và các chất cấm…
Liên quan đến trách nhiệm của huyện Hoa Lư trong công tác quản lý nhà nước của địa phương đối với việc người dân bán thịt dê bên đường Tràng An tại các xã Ninh Xuân, Trường Yên, lãnh đạo huyện Hoa Lư cho biết: Đến nay, UBND huyện đã bố trí kinh phí cho lu lèn, san gạt 2 điểm bán thịt dê tại xã Ninh Xuân và xã Trường Yên; đã thông báo, hướng dẫn các hộ dân vào điểm tập trung buôn bán thịt dê. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải tiến hành khảo sát, cắm biển cấm dừng đỗ, cấm bán hàng trên toàn bộ tuyến đường Tràng An.
Kết luận phiên giải trình, đồng chí Trần Hồng Quảng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận nội dung giải trình của thủ trưởng các cơ quan là nghiêm túc, thẳng thắn, trả lời trực tiếp vào các vấn đề liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của ngành mình. Đồng thời, đưa ra giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Để tăng cường chất lượng, hiệu quả trong thực hiện chính sách pháp luật về ATTP, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các đơn vị giải trình và các đơn vị có liên quan tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Đối với UBND tỉnh: tăng cường công tác tuyên truyền về pháp luật ATTP, về trách nhiệm, về trách nhiệm của các ngành, các cấp, người dân đểmọi người chung tay thực hiện pháp luật an toàn thực phẩm; Sơ kết việc thực hiện Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 12/8/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn, trên cơ sở đó nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với quy định của Trung ương và tình hình thực tiễn của địa phương; chỉ đạo đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong việc cấp các loại giấy tờ liên quan đến quản lý ATTP cho các tổ chức, cá nhân; thực hiện công tác quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn; phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho chế biến thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Chỉ đạo UBND các cấp có biện pháp tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết các hộ gia đình, sản xuất quy mô lớn, sản xuất sản phẩm sạch; chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP. Chỉ đạo các sở, ngành thống nhất việc kiểm soát chất lượng thực phẩm sau công bố; chủ động bố trí nguồn lực, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra ATTP. Cương quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thuộc lĩnh vực được phân công khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.
Đối với các Sở: Y tế, Công thương, NN&PTNT tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP đối với lĩnh vực mà mình quản lý, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất.
Đối với UBND các huyện, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về ATTP; triển khai và chỉ đạo cấp xã thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm theo phân cấp; phân công rõ trách nhiệm cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và chỉ đạo cơ quan chuyên môn làm tốt công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, quản lý chặt chẽ ATTP ngay từ khâu sản xuất, chế biến đến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.
Đồng chí cũng đề nghị, ngay sau phiên họp này, các đơn vị giải trình thực hiện nghiêm túc các giải pháp, cam kết giải trình của ngành; các vị đại biểu HĐND tỉnh giám sát chặt chẽ việc thực hiện cam kết sau giải trình của các cơ quan, đơn vị. MTTQ và tổ chức thành viên tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chính sách, pháp luật về ATTP đến các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.