Đại biểu HĐND tỉnh tiến hành thảo luận tại Tổ Thảo luận tại các Tổ, các đại biểu cơ bản nhất trí với các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp. Đồng thời, có ý kiến đối với một số báo cáo, đề án, Dự thảo nghị quyết, cụ thể như sau:
Các Báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh: Đại biểu có ý kiến đề nghị việc giao cho các Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện ý kiến, kiến nghị cử tri của Thường trực HĐND tỉnh cần thực hiện sớm để các Tổ chủ động và giám sát thường xuyên, không để sát kỳ họp mới giao giám sát, khó khăn cho hoạt động của Tổ.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018
Các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao với đánh giá về những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, các đại biểu HĐND tỉnh cũng tập trung thảo luận, phân tích, đề nghị bổ sung, làm rõ một số vấn đề:
Về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2018
- Về sản xuất nông nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung đánh giá toàn diện năng suất, diện tích thu hoạch lúa vụ chiêm xuân năm 2018 (trong báo cáo mới đánh giá kết quả thu hoạch lúa ngoài đê).
- Cần đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong nông nghiệp, hoạt động du lịch, dịch vụ.
- Bổ sung và đánh giá kết quả tổ chức đoàn công tác của tỉnh thăm đồng bào tỉnh Ninh Bình đi xây dựng vùng kinh tế mới tại các tỉnh phía Nam và Tây Nguyên; tình hình an ninh trật tự khu du lịch, khu công nghiệp, an ninh tôn giáo được đảm bảo; mở rộng không gian đô thị được chỉ đạo hiệu quả. Đánh giá xứng tầm kết quả nổi bật trong các hoạt động tổ chức kỷ niệm 1.050 năm nhà nước Đại Cồ Việt.
- Về số liệu trong báo cáo, đề nghị UBND tỉnh xem xét điều chỉnh số liệu về kết quả công tác tiếp dân và xử lý đơn thư để đảm bảo thống nhất với báo cáo công tác tiếp dân.
Về một số tồn tại và nguyên nhân
- Đại biểu đề nghị bổ sung một số hạn chế: việc chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp còn chậm; sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa chưa phát triển, các mô hình chưa rõ nét, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế; sản xuất chưa gắn với thị trường tiêu thụ …từ đó có giải pháp hữu hiệu để khắc phục.
- Ô nhiễm môi trường nông thôn do chăn nuôi, thu gom, xử lý rác thải còn nhiều hạn chế; vấn đề vệ sinh môi trường tại các xã về đích nông thôn mới chưa được quan tâm và duy trì thường xuyên. Việc sử dụng thuốc diệt cỏ tràn lan trong sản xuất nông nghiệp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống của người dân không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài.
- Có đại biểu đề nghị bổ sung một số tồn tại trong Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng vào tồn tại trong báo cáo Kinh tế - xã hội; bổ sung tồn tại việc quản lý đất đai, GPMB còn nhiều bất cập.
- Có ý kiến đề nghị bổ sung vào hạn chế nợ đọng BHXH còn lớn; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn chưa được kiểm tra thường xuyên, tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm còn tồn tại; quản lý thông tin trên mạng, công tác bảo vệ bí mật nhà nước còn hạn chế; Giao thông – Vận tải còn xảy ra hiện tượng tranh giành khách tại các điểm ngã ba, ngã tư gần bến xe gây mất an toàn giao thông.
- Đại biểu có ý kiến tỉnh chưa quyết liệt, chưa có giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết, xử lý các dự án chậm tiến độ và thực hiện không đúng quy hoạch. Khiếu kiện trong quản lý đất đai còn nhiều. Quy hoạch xây dựng còn thiếu tầm nhìn xa.
Về nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2018
- Đề nghị bổ sung nhiệm vụ, giải pháp hoàn ứng vốn đầu tư XDCB, đặc biệt là những nội dung kiểm toán kiến nghị; tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi ngành nông nghiệp, nhưng không nên nóng vội; cần phải có giải pháp quyết liệt hơn nữa để tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các dự án triển khai chậm và hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp nợ thuế, việc thành lập các tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp.
- Đại biểu đề nghị trước khi phê duyệt các Dự án cần xem xét kỹ để đảm bảo các quy định của pháp luật và đồng thời phải công khai trước nhân dân.
- Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét giao tăng số học sinh/ lớp và số lớp/trường để khắc phục tình trạng quá tải học sinh, thiếu phòng học, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Đề nghị HĐND tỉnh, UBND tỉnh xem xét, kiểm tra và giải quyết việc xuống cấp về cơ sở vật chất, vệ sinh an toàn bệnh viện, công tác quản lý theo chức năng tại Bệnh viện Sản – Nhi (cũ); có giải pháp quan tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện Sản – Nhi mới, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
- Đề nghị UBND tỉnh ban hành tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu; chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; triển khai sớm cắm mốc vùng đệm, vùng lõi di sản; xây dựng Bộ tiêu chí quản lý, định hướng loại hình du lịch Homestay.
- Đề nghị bổ sung nhiệm vụ “tăng cường công tác kiểm tra về đạo đức và trách nhiệm thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là cán bộ cơ sở”. Tập trung cao trong chấn chỉnh, giải quyết việc khiếu kiện về đất đai.
- Có đại biểu đề nghị trong phương hướng, nhiệm vụ chỉ nêu nhiệm vụ chính, khi tổ chức thực hiện UBND tỉnh, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, điều hành. Cần nêu khái quát về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để các cấp các ngành phối hợp triển khai thực hiện, không nên giao cụ thể cho ngành: như Ngành Y tế, Ngành Lao động - Thương bình và Xã hội (nhiệm vụ thứ 7, 8 trong Báo cáo kinh tế - xã hội).
Báo cáo kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri trước kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV; Báo cáo kết quả thực hiện các cam kết chất vấn tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa XIV
- Nhiều ý kiến đại biểu đánh giá việc đôn đốc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri còn chậm; cử tri ý kiến nhiều lần nhưng UBND tỉnh giải quyết chưa dứt điểm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết dứt điểm những việc thuộc thẩm quyền, đủ nguồn lực thực hiện.
- Việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri huyện Gia Viễn về kinh phí GPMB xây dựng cơ sở hạ tầng quần thể khu du lịch Tràng An cho UBND xã Gia Sinh chưa thỏa đáng, đề nghị UBND tỉnh có giải pháp và lộ trình cụ thể.
Báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong phát triển nông nghiệp
Về phần các chính sách tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp (tại trang 3 Báo cáo) đối với các Hợp tác xã, liên hiệp HTX năm 2017 chỉ có 1 đối tượng được cho vay với số tiền 2 tỷ đồng. Đề nghị làm rõ thủ tục cho vay của các ngân hàng là quá chặt chẽ hay năng lực của các HTX, liên hiệp HTX còn hạn chế, nên dẫn đến việc vay vốn của các HTX, Liên hiệp HTX còn ít.
Báo cáo kết quả công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018
- Có ý kiến nêu trong báo cáo đã có số lượng chuyển đổi vị trí công tác (37 vị trí) nhưng không tính tỷ lệ trên tổng số cần phải chuyển đổi, nên chưa xác định được hiệu quả của việc đã làm. Cần phải có biện pháp quản lý quyết liệt hơn nữa đối với công tác quản lý đất đai của các dự án không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Chưa đưa số liệu của kết quả kiểm toán (phần tồn tại) vào báo cáo phòng chống tham nhũng trình tại kỳ họp.
- Có đại biểu phản ánh về đánh giá kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tố cáo tại trang 3 còn chung chung, đề nghị cần phân tích sâu hơn.
- Có đại biểu cho rằng đánh giá giữa ưu điểm với tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tại trang 6 còn mâu thuẫn, đề nghị sửa lại cho phù hợp.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi Điểm a, b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 26/2016/NQ-HĐND ngày 04/8/2016 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định mức học phí, học phí học các môn tự chọn đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên từ năm học 2016-2017 đến năm học 2020-2021 của tỉnh Ninh Bình
Một số đại biểu đề nghị thể thức dự thảo nghị quyết sửa lại ‘‘Điều 3: hiệu lực thi hành áp dụng từ năm học 2018 – 2019; Điều 4: Giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này; Điều 5: Thường trực HĐND, các ban HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện nghị quyết này” để thống nhất với thể thức các nghị quyết khác.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết Về việc bãi bỏ Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND ngày 19/7/2012 của HĐND tỉnh Ninh Bình quy định về đối tượng vận động, mức đóng góp Quỹ Quốc phòng – An ninh ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Một số ý kiến đề nghị thời điểm áp dụng nghị quyết từ ngày 01/01/2019.
- Đa số ý kiến đề nghị thời điểm áp dụng nghị quyết thực hiện ngay, sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
- Xem xét tăng phân bổ ngân sách cho hoạt động an ninh, quốc phòng của các xã trong điều kiện không thu quỹ quốc phòng - an ninh.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết Về việc phê duyệt danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2018
- Có ý kiến đề nghị UBND tỉnh đánh giá việc thực hiện các dự án đã thu hồi đất từ các năm trước HĐND tỉnh ban hành làm cơ sở để đánh giá hiệu quả sử dụng đất, tránh lãng phí tài nguyên đất.
- Có đại biểu đề nghị không xem xét đưa công trình Làm đường giao thông để khai thác đất đá hỗn hợp tại đồi Sòng Cầu của Công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư XD Cường Thịnh Thi tại mục II, trang 7 vào Danh mục công trình dự án phải thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2018 trình tại kỳ họp.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về quy định nội dung, mức chi đảm bảo hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- Đa số ý kiến đồng tình với dự thảo nghị quyết. Có ý kiến đề nghị việc ban hành Nghị quyết là cần thiết, tuy nhiên hiện các cấp ngân sách đang trong giữa thời kỳ ổn định ngân sách nên cấp huyện, cấp xã khó khăn trong việc bố trí ngân sách thực hiện, nhất là đối với cấp xã, đề nghị tỉnh nghiên cứu, xem xét để Nghị quyết này có tính khả thi.
- Có ý kiến đề nghị hiệu lực thi hành nên từ ngày 01/01/2019 để cuối năm 2018 khi HĐND tỉnh phân bổ ngân sách năm 2019 cho các cấp, các ngành thì có phân bổ kinh phí cho nội dung này để các cấp chủ động hơn và Nghị quyết có tính khả thi.
- Có ý kiến đề nghị HĐND tỉnh không ban hành nghị quyết này vì đang trong thời kỳ ổn định ngân sách, không đảm bảo phần chi của cấp cơ sở.
- Có ý kiến đề nghị nguồn ngân sách cấp tỉnh sau thời kỳ ổn định ngân sách, ngân sách cấp nào do cấp đó bố trí theo quy định tại Luật Ngân sách.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về thông qua Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- Có ý kiến nội dung quy hoạch này được điều chỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/3/2018, vì vậy HĐND tỉnh có thẩm quyền thông qua quy hoạch, sau khi nội dung quy hoạch thông qua, đề nghị UBND tỉnh cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Đề nghị sửa phần tổ chức thực hiện trong báo cáo quy hoạch.
- Đại biểu đề nghị cần phải bổ sung căn cứ pháp lý, nội dung theo Luật quy hoạch mới và phải có thêm văn bản thỏa thuận của Bộ Công thương; nếu bổ sung thêm 2 chợ Gia Vân (Gia Viễn), Kim Đông (Kim Sơn) thì phải thực hiện theo đúng quy trình; quy hoạch chợ chú ý đến quy hoạch khu giết mổ, tập trung để xử lý môi trường.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
- Đại biểu có ý kiến nội dung quy hoạch này được điều chỉnh theo Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/3/2018, vì vậy HĐND tỉnh có thẩm quyền thông qua quy hoạch, sau khi nội dung quy hoạch thông qua, đề nghị UBND tỉnh cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh theo quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017. Đề nghị sửa phần tổ chức thực hiện trong báo cáo quy hoạch.
- Một số đại biểu có ý kiến về mục tiêu của quy hoạch cần đảm bảo tính khả thi, nhất là chỉ tiêu về phát triển số phòng của các khách sạn; có giải pháp cụ thể về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phát triển du lịch.
- Có đại biểu đề nghị tỉnh quan tâm phát triển du lịch tâm linh. Mỗi huyện cần quy hoạch một trung tâm tín ngưỡng tâm linh để thu hút khách du lịch.
Tờ trình, Dự thảo Nghị quyết về thông qua Chương trình số 65/QT-UBND ngày 29/6/2018 của UBND tỉnh về phát triển nhà ở tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030
- Đề nghị bổ sung căn cứ pháp lý: Luật Đô thị, Luật Đất đai, Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở.
- Đề nghị cần đánh giá sát hơn về thực trạng nhà ở để phù hợp thực tiễn từng vùng miền, đánh giá sát chất lượng nhà ở giữa đô thị và nông thôn, xác định được mối liên hệ giữa quy hoạch nhà ở và quy hoạch đô thị nêu bật được quy hoạch đô thị Ninh Bình đã được Chính phủ phê duyệt; khảo sát, điều tra kỹ về quy hoạch sử dụng đất; xác định rõ nguồn vốn thực hiện để có tính khả thi; đảm bảo ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở cho các đối tượng chính sách, nhà ở cho sinh viên.
- Quy hoạch nhà ở xác định rõ nhu cầu xem có cần thiết chưa; chương trình xây dựng nhà ở do UBND tỉnh trình có phù hợp với quy hoạch đô thị Ninh Bình được Chính phủ phê duyệt không?
- Có đại biểu đề nghị Chương trình nhà ở cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở.
- Bổ sung vào thống kê một số khu đô thị mới được HĐND tỉnh đã thông qua như Khu đô thị Ninh Khánh, khu đô thị hiện hữu Xuân Thành.
- Có đại biểu đề nghị xem xét lại một số chỉ tiêu trong Chương trình để đảm bảo sát, đúng với thực tiễn, nhất là chỉ tiêu về tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đưa ra là 8,68% tại trang 10 của Chương trình.
Bên cạnh việc tham gia ý kiến vào nội dung các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình tại kỳ họp, đại biểu cũng nêu lên một số ý kiến: đề nghị tỉnh quan tâm trích lại 100% kinh phí từ đấu giá giá trị quyền sử dụng đất cho các xã đã về đích NTM để duy trì và phấn đấu đạt NTM kiểu mẫu và trả nợ xây dựng cơ bản còn tồn đọng; đề nghị tỉnh UBND tỉnh quy định tăng mức thu phí vệ sinh môi trường vì hiện tại mức thu 3.000đồng/khẩu là thấp, khó khăn khi triển khai thu gom, xử lý rác thải tại khu vực nông thôn.