Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG GIÁM SÁT, LÀM CƠ SỞ THỰC HIỆN TỐT CHỨC NĂNG QUYẾT ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Thứ năm, 25/03/2021
Nhiệm kỳ 2016-2021, HĐND tỉnh Ninh Bình đã phát huy kinh nghiệm của nhiệm kỳ trước, nâng cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó với cử tri, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Hoạt động giám sát được Thường trực HĐND tỉnh, các Ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh dành nhiều tâm huyết và đạt kết quả nổi bật, đóng góp vào sự đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ.
Nhận thức, ý thức về giám sát và vai trò hoạt động giám sát của HĐND đúng đắn, đầy đủ hơn, cả phía chủ thể giám sát và đối tượng giám sát.
Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã thể hiện rõ tính quyền lực nhà nước thông qua việc HĐND, Thường trực, các Ban, các Tổ đại biểu theo dõi, xem xét, đánh giá việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của HĐND ở địa phương; phát hiện những cách làm hay, kinh nghiệm tốt, những hạn chế, vướng mắc và vi phạm trong thực thi pháp luật để kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước; bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nghị quyết của HĐND tỉnh. Hoạt động giám sát nói chung, các báo cáo kết quả giám sát chuyên đề trong nhiệm kỳ đã thể hiện rõ điều này, đánh giá, kiến nghị rất cụ thể, rất sát, không còn lẫn lộn giữa giám sát với thanh tra, kiểm tra; khắc phục tình trạng giám sát nặng về phát hiện hạn chế, vi phạm, nhẹ về phát hiện, tổng kết kinh nghiệm hay, kiến nghị hoàn thiện cơ chế, chính sách. Đối tượng chịu sự giám sát cũng nhận thức đầy đủ hơn, không coi giám sát là kiểm tra để khen thưởng, kỷ luật, đánh giá xếp loại, quan tâm đóng góp ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn. Kết quả của giám sát là cơ sở cho việc thực hiện chức năng quyết định, ban hành nghị quyết của HĐND tỉnh.
Thực hiện đa dạng các hình thức, phương thức giám sát, thể hiện tính toàn diện, đồng bộ trong hoạt động giám sát
Thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, nhiệm kỳ này, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đa dạng, linh hoạt hơn cả về hình thức, phương thức giám sát. HĐND giám sát tại 22 kỳ họp thông qua việc xem xét các báo cáo của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các cơ quan tư pháp và các Ban; chất vấn lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng các sở, ngành 110 ý kiến; lấy phiếu tín nhiệm. Giữa hai kỳ họp, HĐND tỉnh giám sát thông qua việc xem xét các quyết định của UBND tỉnh, nghị quyết của HĐND cấp huyện; thực hiện 114 cuộc giám sát chuyên đề của HĐND, Thường trực HĐND, các ban HĐND; tổ chức 10 phiên giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Về cách thức có giám sát thông qua việc xem xét văn bản, giám sát trực tiếp đối tượng giám sát; trong giám sát có kết hợp khảo sát thực tế tại hiện trường, địa phương nhằm nắm bắt thông tin để có cái nhìn khách quan, toàn diện… Việc thực hiện đa dạng, linh hoạt các hình thức, phương thức giám sát giúp đánh giá toàn diện vấn đề; đảm bảo giám sát của HĐND vừa bao quát, vừa chuyên sâu, có sự kết nối đồng bộ các khâu, các hình thức giám sát.
Nội dung giám sát chọn đúng, trúng vấn đề cử tri quan tâm; chọn đúng vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ, được UBND tỉnh và các ngành tích cực vào cuộc, giải quyết, đáp ứng sự phát triển của tỉnh và nguyện vọng của nhân dân
Nhiệm kỳ qua, trên cơ sở đề xuất của các ban và ý kiến, kiến nghị của cử tri, nội dung giám sát chuyên đề, giải trình, chất vấn đã được cân nhắc, lựa chọn kỹ, với phương châm đảm bảo toàn diện các lĩnh vực và giám sát những gì nổi cộm nhất, cần thiết nhất, đúng thời điểm nhất. Tiêu biểu là: Giám sát công tác bảo vệ môi trường, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp; phát triển du lịch… của HĐND; giải trình về quản lý công trình cấp nước và chất lượng nước sạch; an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý dịch vụ văn hóa... của Thường trực HĐND tỉnh. Giám sát việc thực hiện chính sách đối với người có công, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm thất nghiệp; công tác quản lý đất đai và quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao…) của Ban Văn hóa – Xã hội. Giám sát việc quản lý và sử dụng vốn đầu tư XDCB của một số công trình, dự án; việc thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất; thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí các nhà máy xi măngcủa Ban Kinh tế - Ngân sách. Giám sát việc tuyển dụng, sử dụng biên chế; việc đấu giá quyền sử dụng đấtcủa Ban Pháp chế. Giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri của Tổ đại biểu HĐND tỉnh… Nhiều nội dung giám sát chuyên đề được tiếp tục đưa vào giải trình, chất vấn, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, tạo hiệu ứng tích cực, sự quan tâm mạnh mẽ và chuyển biến rõ nét về những vấn đề mà cử tri, nhân dân quan tâm.
Sau giám sát, giải trình, nhiều vấn đề về thẩm quyền, trách nhiệm được làm rõ. UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo kịp thời, các ngành có văn bản triển khai thực hiện, tích cực vào cuộc, chấn chỉnh những vi phạm, tập trung giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, tạo sự chuyển biến rất tích cực, được đại biểu và cử tri theo dõi sát sao. Tiêu biểu có thể kể đến hiệu quả của giám sát, giải trình do Ban VHXH thực hiện. Sau giải trình việc thực hiện chính sách người có công, một số trường hợp đã được quan tâm giải quyết sau nhiều năm chờ đợi (Thương binh  Đặng Hữu Chiến, xã Gia Thủy, huyện Nho Quan; bà Nguyễn Thị Quý, xã Gia Lập, huyện Gia Viễn đã được cấp ngân sách để hỗ trợ xây dựng nhà ở theo QĐ số 22 của Thủ tướng Chính phủ; Bà Đồng Thị Thứ ở xã Văn Hải, huyện Kim Sơn, gia đình liệt sĩ Dương Quan Chiêu ở xã Khánh Thịnh, huyện Yên Mô đã đổi lại huân chương lao động, bằng Tổ Quốc Ghi công …)  Sau đó, một số gia đình người có công đã gửi thư, qua đài PTTH cảm ơn sự vào cuộc của HĐND, UBND và các ngành để những vướng mắc về chế độ, chính sách được trả lời và giải quyết nhanh chóng. Sau giải trình về quản lý chất lượng nước sinh hoạt, nhiều công trình cấp nước đã chấn chỉnh hoạt động, bảo vệ nguồn nước đầu vào chặt chẽ hơn, chất lượng đảm bảo hơn. Trạm cấp nước Khánh Thịnh đã được cải tạo bể lắng, nâng cấp công trình; Trạm cấp nước Ninh An đã nạo vét, khơi thông dòng chảy khúc sông Vó để đảm bảo chất lượng nước nguyên liệu... Đây là những tín hiệu vui, là hiệu quả thiết thực mà hoạt động giám sát mang lại.
Phát huy vai trò của Thường trực HĐND trong chỉ đạo, tổ chức hoạt động giám sát; phát huy vai trò của các Ban, tổ đại biểu, tạo sự phối hợp nhịp nhàng, khoa học trong hoạt động giám sát
Hoạt động giám sát được thực hiện thông qua nhiều chủ thể: HĐND, Thường trực HĐND, các ban, các tổ đại biểu và đại biểu HĐND. Do vậy, việc phát huy vai trò của Thường trực, các ban, các tổ đại biểu là rất quan trọng, trong đó Thường trực phải thực sự là “chỗ dựa” vững chắc cho các Ban, các tổ đại biểu HĐND tỉnh.
Trong nhiệm kỳ, Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức tốt hoạt động giám sát tại kỳ họp; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, tổ chức hoạt động giám sát; chủ động xây dựng nghị quyết về chương trình giám sát hằng năm trình HĐND tỉnh; nghiên cứu ban hành kế hoạch điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát rất khoa học, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; thông báo sớm đến các cơ quan, tạo sự chủ động cho hoạt động giám sát; đồng thời theo dõi, chỉ đạo tình hình, kết quả giám sát, tổng hợp báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp theo quy định.
Các ban, các tổ đại biểu đã bám sát sự chỉ đạo của Thường trực HĐND, chủ động và thực hiện nền nếp, bài bản quy trình giám sát; quan tâm theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị giám sát; phối hợp nhịp nhàng, hài hòa, giúp cho hoạt động giám sát không chồng chéo, trùng lắp về nội dung, đối tượng, thời gian giám sát, đồng thời không bỏ sót nội dung, lĩnh vực, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả giám sát.
Những kết quả trên thực sự là những chuyển biến về chất trong hoạt động giám sát của HĐND tỉnh nhiệm kỳ qua, cũng là những kinh nghiệm để áp dụng cho nhiệm kỳ tới. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì hoạt động giám sát có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, hậu giám sát vẫn là khâu còn nhiều hạn chế.
Một số giải pháp cần quan tâm
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát, trong thời gian tới, HĐND tỉnh cần tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là: Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong hoạt động giám sát, nhất là thực hiện kiến nghị sau giám sát
Cuối nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Đảng đoàn HĐND tăng cường giám sát các nội dung về quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh. Để đảm bảo hoạt động giám sát toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, điều hành chung, sự chỉ đạo này là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần tranh thủ sâu hơn sự lãnh đạo của cấp ủy đối với việc xử lý vấn đề sau giám sát. Thông qua Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh báo cáo cấp ủy về những kết quả quan trọng trong giám sát, giải trình, chất vấn. Một mặt, các cơ quan của HĐND tỉnh chủ động thực hiện các chế tài giám sát, theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị sau giám sát, chất vấn theo thẩm quyền, một mặt, cần tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, thực hiện nghiêm các kiến nghị của HĐND, có thể giao UBKT xem xét, đưa vào chương trình kiểm tra hoặc có kế hoạch sửa đổi, ban hành cơ chế, chính sách nếu thấy cần thiết. Như vậy, những kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình chắc chắn sẽ không bị lãng quên, hiệu quả cũng cao hơn.
Hai là: Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền; tăng cường công tác phối hợp, tạo sức mạnh tổng hợp trong hoạt động giám sát
Kế hoạch giám sát, nội dung, kết quả giám sát (trừ nội dung liên quan đến bí mật nhà nước) cần được gửi đến đại biểu HĐND tỉnh và công khai rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân theo dõi, giám sát việc thực hiện. Phát huy vai trò của cơ quan báo chí trong việc thông tin về tình hình, kết quả thực hiện các kiến nghị sau giám sát, chất vấn, giải trình, nhất là nội dung liên quan đến giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân.
Tăng cường phối hợp giám sát giữa HĐND tỉnh với Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND cấp huyện, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, tổ chức chính trị - xã hội để giám sát không trùng lặp nhưng cũng không bỏ sót đối tượng, nội dung; chia sẻ thông tin, tận dụng được kết quả giám sát của nhau; các cơ quan có thể cùng tiếng nói, cùng theo dõi, đôn đốc khắc phục vi phạm, thực hiện các kiến nghị sau giám sát, tạo nên sức mạnh tổng hợp. Bên cạnh đó, cần phối hợp linh hoạt các hình thức giám sát, theo đuổi đến cùng nội dung cho đến khi được giải quyết, ví dụ chất vấn, giải trình sẽ xoay quanh kết quả, kiến nghị giám sát chuyên đề hoặc ngược lại, vấn đề được chất vấn có thể đưa vào giám sát chuyên đề và tái chất vấn. Việc phối hợp này sẽ tạo nên tính chỉnh thể, đồng bộ của hoạt động giám sát, từ đối tượng đến nội dung và hình thức giám sát.
Ba là: Nâng cao tính pháp lý bằng việc ban hành nghị quyết về giám sát, chất vấn; Theo dõi chặt chẽ, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị sau giám sát
Theo quy định của pháp luật, HĐND ban hành nghị quyết về vấn đề được giám sát và có thể ra nghị quyết về chất vấn. Nghị quyết về giám sát của HĐND có tính pháp lý bắt buộc thực hiện. Do vậy, để đảm bảo tính hiệu lực của giám sát, cần quan tâm ban hành nghị quyết làm cơ sở pháp lý để thực hiện. Bên cạnh đó, phải xem hoạt động theo dõi, đôn đốc thực hiện các kiến nghị sau giám sát là nội dung quan trọng trong quá trình giám sát. Thường trực HĐND tỉnh thực hiện điều hoà, phối hợp việc theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương thực hiện kiến nghị giám sát nghiêm túc, kịp thời; quan tâm giám sát việc thi hành pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định tại Điều 73, Luật hoạt động Giám sát của Quốc hội và HĐND.
Bốn là: Nâng cao chất lượng chủ thể hoạt động giám sát và cơ quan tham mưu, phục vụ HĐND tỉnh
Chất lượng hoạt động giám sát phụ thuộc vào chủ thể thực hiện. Do vậy, trước thềm nhiệm kỳ mới, cần lựa chọn đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 có chất lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ của HĐND có trình độ chuyên môn sâu theo vị trí công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm, bản lĩnh và điều kiện hoạt động là yếu tố quan trọng. Thu hút người có trình độ, năng lực, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử về công tác tại Văn phòng HĐND tỉnh để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao và sự gắn bó với cử tri, tin tưởng rằng hoạt động giám sát nói riêng và hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 – 2026 nói chung sẽ tiếp tục phát huy hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền nhà nước, đóng góp vào sự phát triển đi lên của tỉnh Ninh Bình giai đoạn mới.

Tác giả bài viết: Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 34

Hôm nay: 391

Tổng lượt truy cập: 435618