Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Giải trình về công tác Thi hành án liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ tư, 24/04/2019
Thực hiện nhiệm vụ do Thường trực HĐND tỉnh giao, trên cơ sở kết quả giám sát, khảo sát, trong tháng 3.2019, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tham mưu, đề xuất nội dung: “Việc thực hiện quy định của pháp luật về công tác thi hành án liên quan đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình” làm chủ đề phiên giải trình trong tháng 4.2019 của Thường trực HĐND tỉnh.
Là cơ quan chủ trì tham mưu để Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình đầu tiên trong năm 2019, do vậy, từ cuối năm 2018, thông qua hoạt động giám sát, khảo sát, Ban Pháp chế đã chủ động tìm hiểu các vấn đề còn nhiều khó khăn, bất cập, vướng mắc để báo cáo, xin ý kiến Thường trực HĐND tỉnh lựa chọn chủ đề tổ chức phiên giải trình. Ngay sau khi Thường trực HĐND tỉnh ban hành Kế hoạch tổ chức phiên giải trình việc thực hiện pháp luật về công tác thi hành án liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn tỉnh; trên cơ sở Báo cáo của Cục thi hành án dân sự tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, một số ngân hàng thương mại trên địa bàn, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các Ban của HĐND tỉnh, có sự tham gia của ngành thi hành án, các tổ chức tín dụng và ngân hàng tiến hành khảo sát đối với 12 vụ việc thi hành án liên quan đến các ngân hàng trên địa bàn tỉnh để nắm rõ thực trạng, những nội dung cần yêu cầu giải trình, làm rõ tại phiên giải trình. Trong quá trình khảo sát, Ban Pháp chế đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cử phóng viên tham gia cùng đoàn để thực hiện video clip về nội dung giải trình. Đây là hoạt động không thể thiếu của một phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Ninh Bình.
 


Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn tại hội nghị
 
Trên cơ sở đó, ngày 23.4.2019, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức phiên giải trình yêu cầu Cục trưởng Cục thi hành án dân sự tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình; giám đốc một số Ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giải trình việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, của đơn vị liên quan đến nội dung giải trình. Chủ tọa định hướng giải trình theo từng đối tượng, yêu cầu các đơn vị trả lời thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, mỗi câu trả lời không quá 5 phút, đại biểu HĐND tỉnh đặt câu hỏi trọng tâm, mỗi câu không quá 3 phút. Tại phiên giải trình đã có 20 lượt đại biểu HĐND tỉnh tham gia đặt câu hỏi yêu cầu các đơn vị giải trình; các đại biểu đã tích cực đặt câu hỏi, thẳng thắn trao đi, đổi lại để các đơn vị giải trình làm rõ các vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Về trách nhiệm của cơ quan thi hành án: Các đại biểu quan tâm nhiều đến việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 42/2018/QH14 ngày 07.8.2018 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có những bất cập, mâu thuẫn với quy định tại Luật Thi hành án dân sự về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo và việc xử lý tài sản là nhà ở duy nhất của người phải thi hành án đối. Về nội dung này, Cục trưởng Cục thi hành án cho biết trước tình trạng nợ xấu cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 42, Chính phủ, Bộ Tư pháp có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành tập trung thực hiện Nghị quyết số 42 của Quốc hội (Nghị quyết thí điểm thực hiện trong 5 năm) nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động tín dụng ngân hàng. Do vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành thi hành án ưu tiên áp dụng quy định tại Nghị quyết số 42, về những bất cập, ngành sẽ tổng hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi để có sự thống nhất trong việc thực hiện. Về việc chuyển nhượng bất động sản, theo quy định người có tài sản chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, tuy nhiên hầu hết các trường hợp, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ thanh toán cho tổ chức tín dụng nên không thực hiện được nghĩa vụ thuế, vì vậy, không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, gây khó khăn, phức tạp, bức xúc cho người mua tài sản bán đấu giá, có trường hợp khiếu nại, tố cáo, thậm trí có trường hợp khởi kiện yêu cầu cơ quan Thi hành án phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản ngành. Trả lời câu hỏi này, ông Cục trưởng THADS tỉnh cho biết, đây là quy định của pháp luật do vậy không thể thực hiện trái; đã chỉ đạo cán bộ thi hành án trước khi bán đấu giá tài sản, có giải thích cho người mua tài sản về việc phải trả thuế, tránh tình trạng mua xong không chuyển nhượng được. Ông cho biết thêm các vụ việc tiến hành, chấp hành viên thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật do vậy không để chậm; các bản án, quyết định của tòa tuyên đã rõ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngành gặp phải khó khăn do sự bất cập, do hệ thống pháp luật quy định chưa thống nhất; tài sản đảm bảo, nhất là tài sản của bên thứ 3, chưa xác định được nghĩa vụ có liên quan phải thi hành án; tài sản đem đấu giá, người mua e ngại do dây chuyền sản xuất cũ, lạc hậu, người đại diện theo pháp luật có tâm lý trốn tránh, không có khả năng thanh toán…. Về cơ bản, tư lệnh ngành thi hành án đã trả lời thẳng thắn, nghiêm túc xong có việc trả lời chưa đúng trọng tâm vấn đề đại biểu quan tâm và cho rằng trách nhiệm thuộc về các tổ chức tín dụng, ngân hàng.



Cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh trả lời chất vấn tại hội nghị 
 
Giải trình cụ thể đối với vụ việc vay vốn thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07.7.2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản của hộ ông Trần Viết Hải vay vốn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, chi nhánh Ninh Bình. Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, tỉnh Ninh Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo 67 để chỉ đạo thực hiện Nghị định số 67, Ban chỉ đạo có hướng dẫn cụ thể các nội dung chủ tàu cá phải thực hiện trong quá trình thi công đóng tàu đến khi hoàn thành, cấp giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 tàu thực hiện theo Nghị định số 67 có 4/5 tàu hoạt động, chấp hành quy định tốt. Riêng có chủ tàu hộ ông Hải phải tổ chức thi hành án, nhưng ý thức tuân thủ pháp luật liên quan đến việc thi hành án chưa cao, còn chốn tránh, chây ỳ, chống đối quyết liệt. Có ý kiến đề nghị cần tiến hành thu hồi ngay con tàu hộ ông Hải, xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông giám đốc Ngân hàng NN&PTNN - Chi nhánh tỉnh Ninh Bình đã thẳng thắn nhận trách nhiệm về việc cán bộ tín dụng ngân hàng thiếu trách nhiệm trong thẩm định tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là ngôi nhà 3 tầng, định giá 4,7 tỷ đồng, khi xác minh để xử lý tài sản thì chỉ có quyền sử dụng đất (mảnh đất 70m2, là đất nông nghiệp, không có lối vào, không có nhà xây dựng, giá trị khoảng 11 triệu đồng). Cán bộ tín dụng đó, ngân hàng đã điều về công tác ở cấp huyện và cấm không được làm tín dụng.
Về một số vụ việc đã trả gần hết gốc vay, còn nợ khoản lãi vay, đại diện Ngân hàng TMCP ĐT &PT Việt Nam - Chi nhánh Tam Điệp cho rằng việc thu hồi được nợ gốc đối với khách hàng làm ăn thua lỗ, thật sự gặp khó khăn là nỗ lực của ngành ngân hàng, đối với khoản nợ lãi của doanh nghiệp, ngân hàng hướng dẫn làm thủ tục xin được miễn giảm. Đại diện các ngân hàng cho rằng, việc hợp đồng tín dụng đối với khách hàng đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, các hợp đồng tín dụng đối với tài sản thế chấp đều thực hiện giao dịch đảm bảo, công chức; đối với tài sản đảm bảo của bên thứ 3, ngân hàng đã gặp trực tiếp từng chủ tài sản, họ tự nguyện, thỏa thuận ký trực tiếp 2 bên, có giao dịch đảm bảo và công chức. Đối với khách hàng có nợ xấu, ngân hàng thỏa thuận để khách có thời gian tìm mọi nguồn để trả nợ, khi không hợp tác, ngân hàng mới khởi kiện ra tòa. Các quy trình thực hiện tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến việc nhiều vụ định giá tài sản thế chấp, bảo lãnh cao hơn nhiều so với giá trị thực tế, khi kê biên, phát mại xử lý tài sản thế chấp, bảo lãnh thì khoản tiền thu được thấp, giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Ninh Bình cho biết ngân hàng chỉ cho vay với giá trị không vượt quá 70% giá trị tài sản thế chấp, mặt khác khi tài sản là máy móc thiết bị nhà xưởng lúc mua giá trị cao, khi phát mại, bán là tài sản cũ, lạc hậu nên giá thấp. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Ninh Bình thường xuyên thanh, kiểm tra hoạt động của các Ngân hàng thương mại, nhằm phát hiện, cảnh báo các rủi ro trong hoạt động tín dụng, có giải pháp xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, đồng chí cũng đề nghị cơ quan thi hành án tập trung thực hiện đúng trách nhiệm của ngành, tránh đổ lãi qua lại giữa các cơ quan, đơn vị và đồng chí mong lãnh đạo tỉnh chia sẽ những khó khăn, vướng mắc của ngành ngân hàng.
Đồng tình với phần trả lời của các đối tượng giải trình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Mai Hoa đề nghị ngành thi hành án nâng cao hơn nữa trách nhiệm của đội ngũ chấp hành viên trong tổ chức thi hành các vụ việc được giao; quá trình thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với ngân hàng, các cơ quan liên quan kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của cán bộ tín dụng, ngân hàng, của người phải thi hành án và các tổ chức, cá nhân có liên quan thì kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo thẩm quyền. Đề nghị NHNN chi nhánh Ninh Bình phối hợp chặt chẽ hơn với cơ quan thi hành án dân sự trong rà soát các vụ việc thi hành án; xử lý các vướng mắc, vi phạm quy định về chuyên môn, nghiệp vụ ngân hàng. Tổ chức thanh tra hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng liên quan đến một số vụ việc đang có khó khăn, vướng mắc trong thi hành án, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh trước ngày 10/12/2019. Các ngân hàng thương mại nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ; nâng cao trách nhiệm của cán bộ trong thẩm định, định giá tài sản thế chấp trước khi ngân hàng cho vay; thường xuyên kiểm tra việc quản lý và sử dụng vốn vay cũng như tài sản thế chấp, kịp thời có biện pháp xử lý khi có vấn đề vướng mắc xảy ra. Xử lý nghiêm các trường hợp cho vay không đúng quy định. Tập trung phối hợp với cơ quan THADS để cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ các thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án. Quán triệt đến từng cán bộ tín dụng, trong quá trình thỏa thuận hợp đồng, nhất là hợp đồng bảo lãnh thế chấp của bên thứ 3, phải giải thích rõ quyền, nghĩa vụ của người bảo lãnh, thể hiện rõ ràng các điều khoản hợp đồng, tránh đưa các nội dung đa nghĩa để có thể hiểu điều khoản ký kết theo nhiều hướng khác nhau, gây khó khăn cho quá trình xử lý tranh chấp./.
 
 

Tác giả bài viết: Trần Thùy Dương - Phòng Tổng hợp

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 55

Hôm nay: 257

Tổng lượt truy cập: 435484