Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV, ngày 29/10/2021, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); thảo luận tại tổ về báo cáo liên quan đến vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025).
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Tham dự buổi thảo luận trực tuyến tại điểm cầu Ninh Bình có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh công tác tại địa phương. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh Ninh Bình.
Thảo luận về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và tương thích với các cam kết quốc tế của Việt Nam liên quan đến lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật này sau khi được thông qua sẽ song song tồn tại với nhiều luật khác có các quy định về loại hình bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh; thẩm quyền phê duyệt các chức danh lãnh đạo, quản trị doanh nghiệp; mô hình tổ chức; trình tự, thủ tục đầu tư; thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm; trách nhiệm của chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát... Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập giữa dự thảo Luật này với các luật khác.
Một số đại biểu cho rằng quy định về chính sách phát triển hoạt động kinh doanh bảo hiểm còn mang tính chung chung, chính sách mới chỉ dừng lại ở khuyến khích, tạo điều kiện mà chưa quy định cụ thể về việc khuyến khích và tạo điều kiện như thế nào. Có đại biểu đề nghị cần có đánh giá tổng kết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chính sách bảo hiểm nông nghiệp hiện hành và cần có quy định mức phí phù hợp và hỗ trợ đối với một số đối tượng ưu tiên tham gia bảo hiểm nông nghiệp.
Cuối buổi thảo luận Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025; dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 – 2025).
Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Quốc hội Đinh Việt Dũng thể hiện sự đồng tình và nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn mục tiêu về số lượng doanh nghiệp đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp vào cuối nhiệm kỳ.
Cùng quan điểm với đại biểu Đinh Việt Dũng, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh cho rằng về mục tiêu phát triển doanh nghiệp là cao, để đạt được mục tiêu này Chính phủ, bộ ngành tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, khơi thông những điểm nghẽn, huy động các nguồn lực để phục hồi, phát triển mạnh mẽ cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cần có tính chất đột phá để thực hiện mục tiêu này.
Tác giả bài viết: Đinh Thị Thu Thủy - phòng CTQH
Đang truy cập: 54
Hôm nay: 221
Tổng lượt truy cập: 435448