Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Hội trường

Thứ ba, 07/06/2022

Sáng ngày 02/6/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường (Nguồn ảnh: Báo Ninh Bình)

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao sự chuẩn bị báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về những kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đồng tình với những nhận định thẳng thắn, trách nhiệm về những tồn tại, hạn chế; nguyên nhân và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. 

Trên cơ sở một số vấn đề nổi lên về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đại biểu tham gia làm rõ một số giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đại biểu: “Điều đáng ghi nhận là ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý Nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo rủi ro. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, cơ chế, chính sách của Nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế như: điều kiện phát hành còn lỏng lẻo; tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt. Nhiều cá nhân đầu tư chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường”.

Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế, chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý Nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp như: điều kiện để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài sản đảm bảo của doanh nghiệp và bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm. Cần có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và giám sát hoạt động của các tổ chức này. Cần sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính.

Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm và khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng để tăng tính thanh khoản, quay vòng vốn và chia sẻ, hạn chế rủi ro trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung cần phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải sớm xây dựng khung pháp lý để hình thành, phát triển thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp./.

Tác giả bài viết: Phòng TTDND

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661