
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 08/5/2025, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về 3 dự án luật: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân; Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).
Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận Tổ
Các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Gia Lai và thành phố Đà Nẵng. Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng chủ trì buổi thảo luận.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu trong tổ đã phát biểu và bày tỏ tán thành sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra năm 2022; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân với các lý do, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn được nêu trong các tờ trình. Việc sửa đổi, bổ sung các luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra, cơ quan Tòa án và Viện kiểm sát theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại thảo luận Tổ
Tham gia tại phiên thảo luận ở Tổ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: Việc hoàn thiện các dự thảo luật phải bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp với chủ trương cải cách tổ chức bộ máy nhà nước tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả.
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát lại các nội dung sửa đổi. Trong đó, làm rõ cơ sở, mục đích và tính phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy đối với quy định tăng số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 19 lên không quá 27 người. Đối với nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý cần xin ý kiến của cấp có thẩm quyền. Vì theo Kết luận 35-KL/TW của Bộ Chính trị thì chức danh Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thuộc diện Ban Bí thư quản lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát, làm rõ sự liên thông giữa việc sửa đổi về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân với các quy định trong Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 nhằm bảo đảm sự đồng bộ trong thực hiện.
Đề cập đến sửa đổi Luật Thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần thực hiện triệt để chủ trương phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra; tăng vai trò, trách nhiệm của thanh tra cấp tỉnh. Đồng thời, rà soát, loại bỏ các quy định mang tính chung chung như “trong lĩnh vực thanh tra” khi quy định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan thanh tra. Mặt khác, thiết kế cơ chế giám sát đủ mạnh đối với hoạt động thanh tra nhằm phát huy tính minh bạch, khách quan để đạt hiệu quả hơn.
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận Tổ
Bày tỏ sự quan tâm đến các dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát Nhân dân nhằm thể chế hóa những quan điểm về tinh gọn tổ chức bộ máy.
Góp ý cụ thể về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nên có quy định về tổ chức thanh tra nội bộ của Tòa án Nhân dân, của Viện kiểm sát Nhân dân để có cơ sở cho các cơ quan thanh tra nội triển khai thực hiện những nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, đại biểu đề nghị rà soát nhằm tránh sự chồng chéo, trùng lắp giữa các hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra chuyên ngành, giám sát của các cơ quan dân cử. …
Ảnh: Đại biểu Mai Khanh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Kim Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận Tổ
Cùng tham gia góp ý tại Tổ, đại biểu Mai Khanh, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện uỷ Kim Sơn cho rằng, việc sửa đổi Luật tổ chức Tòa án nhân dân nhằm phân định rõ ràng thẩm quyền giữa các cấp xét xử, từ sơ thẩm đến phúc thẩm và giám đốc thẩm. Đại biểu đề xuất chuyển toàn bộ thẩm quyền sơ thẩm về cho Tòa án cấp khu vực thay vì giữ lại một số vụ án ở cấp Tòa án tỉnh như hiện nay. Bên cạnh đó, kiến nghị Tòa án tối cao chỉ nên thực hiện nhiệm vụ giám đốc thẩm và tái thẩm, còn nhiệm vụ phúc thẩm sẽ do Tòa phúc thẩm cấp cao đảm nhận.
Đại biểu cũng đồng tình với đề xuất tăng số lượng thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao nhưng cần xem xét kỹ lưỡng vấn đề tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán lãnh đạo. Mặt khác, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán Tòa án tối cao đảm bảo phải có kinh nghiệm xét xử thực tế. Ngoài ra, đề nghị bỏ quy định thi chuyển ngạch thẩm phán. Bởi đây là thủ tục hành chính không cần thiết, không phù hợp với xu thế chung.
Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng Công tác Quốc hội
Đang truy cập: 18
Hôm nay: 618
Tổng lượt truy cập: 522856