Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV: Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Hội trường và tại Tổ thảo luận (Chùm tin thảo luận)

Thứ sáu, 27/05/2022

* Sáng ngày 24/5/2022, sau khi nghe Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, các đại biểu thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Ảnh: Các Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tại phiên họp

Tham gia thảo luận tại Hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đánh giá cao công tác lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay với nhiều cải tiến, đổi mới, thiết thực và hiệu quả; chất lượng các dự án, văn bản luật, Nghị quyết được nâng lên; đặc biệt đã kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, kết luận của Đảng; xem xét thông qua các văn bản đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, tạo động lực cho phát triển bền vững. Tuy nhiên, theo đại biểu, công tác lập, triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn có hạn chế và đề nghị Chính phủ, các cơ quan hữu quan cần có những giải pháp đủ mạnh, quyết liệt hơn để khắc phục triệt để; trong đó cần kiên quyết hơn trong việc không tiến hành thẩm tra, xem xét cho ý kiến đối với những dự án luật trình không đúng thời hạn hoặc không đảm bảo chất lượng.

Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Hội trường

Góp ý cụ thể về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2022, đại biểu nhất trí với những nội dung đề nghị điều chỉnh. Trong đó có việc cho phép lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4 để Chính phủ có thêm thời gian nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy yêu cầu sửa đổi Luật Đất đai là rất cấp thiết, đại biểu đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự án luật đảm bảo tiến độ, chất lượng khi trình Quốc hội.

Về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, triển khai các yêu cầu tại các Nghị quyết, kết luận của Trung ương, các điều ước quốc tế mà Việt Nam làm thành viên, đặc biệt là những vấn đề yêu cầu thực tiễn đặt ra để trên cơ sở đó khẩn trương, nghiên cứu, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023 và những năm tiếp theo. Trong đó, quan tâm xem xét vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay, đó là phải nghiên cứu phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - đây là một trong ba khâu đột phá phát triển đất nước. 

* Buổi chiều ngày 24/5/2022, sau khi nghe các báo cáo, tờ trình về Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận ở Tổ 15 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Hà Tĩnh và Ninh Thuận về: dự thảo Nghị quyết này, đồng thời thảo luận về Báo cáo tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu cho rằng việc đầu tư cho tỉnh Khánh Hòa là cần thiết vì địa phương này có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của quốc gia; có nhiều tiềm năng, lợi thế để bứt phá phát triển và thúc đẩy lan tỏa tích cực đến phát triển vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, cửa ngõ giao thương quốc tế cho cả khu vực này. Tuy nhiên, Khánh Hòa là tỉnh chưa có quy hoạch được phê duyệt. Đại biểu đề nghị cần làm rõ hơn việc thực hiện quy hoạch đối với tỉnh Khánh Hòa. Trong Tờ trình có đề cập đến việc giao cho HĐND tỉnh Khánh Hòa xem xét quyết định một số nội dung quan trọng. Về vấn đề này, đại biểu đề nghị Chính phủ cần giao các bộ chuyên ngành phối hợp với tỉnh Khánh Hòa để triển khai thực hiện. Về kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu đề nghị chỉ rõ nguồn kinh phí thực hiện dự án và phương án phân kỳ đầu tư như nào cho hợp lý, đảm bảo đúng quy định pháp luật. 

Phát biểu thảo luận tại tổ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu đề nghị tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ trong quá trình thực hiện thí điểm; cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, thực hiện; nâng cao vai trò của Thanh tra Nhân dân trong việc giám sát thu hồi giải phóng mặt bằng, giám sát các công trình được đầu tư; có phương án bố trí các khu tái định cư một cách khoa học với các điều kiện về kinh tế - xã hội, môi trường sống ít nhất là phải bằng hoặc tốt hơn khu vực người dân đang ở.

* Trong buổi sáng ngày 25/5/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục tham gia thảo luận ở Tổ để đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 (Nghị quyết 42) về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42.

Tham gia thảo luận tại tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đạt được nhiều kết quả khá tích cực, song cũng cho thấy những hạn chế cần sớm khắc phục, nhất là trong công tác lập thẩm định phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng ngân sách. Chương trình phục hồi kinh tế đến nay chưa triển khai được là nguyên nhân rất lớn trong lãng phí nguồn lực. Chương trình mục tiêu Quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến tháng 10/2021 mới có quyết định, cuối năm 2021 mới ban hành các tiêu chí phân bổ nguồn và phải chuyển nguồn sang năm 2022. Thực tế nhiều nguồn vốn ngân sách của Trung ương thường đến tháng 7, tháng 8 hàng năm mới phân bổ, điều này gây khó khăn cho các tỉnh, thành phố, đại biểu đề nghị Trung ương linh hoạt hơn, cùng với địa phương tháo gỡ về cơ chế trong công tác lập thẩm định phê duyệt dự toán, quyết toán, quản lý sử dụng ngân sách. 

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đó là việc tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42. Một số đại biểu cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa thực sự vững chắc, thực trạng nợ xấu cho thấy nền kinh tế vẫn tiềm ẩn rủi ro; một số biện pháp áp dụng theo Nghị quyết số 42 chưa phát huy hiệu quả (như áp dụng thủ tục rút gọn tại Tòa án...).

Đại biểu Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho rằng việc xử lý nợ xấu then chốt chính là các tổ chức tín dụng được trực tiếp thu hồi các tài sản đảm bảo, đấu giá, thanh lý tài sản để thu hồi vốn. Tuy nhiên, việc tổng kết không đề cập đến vướng mắc của các cơ quan tố tụng. Đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ nguyên nhân những vướng mắc; cơ sở để kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 một năm. Đồng thời đề nghị xem xét không nên kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 mà cần nghiên cứu để sửa đổi tổng thể hệ thống pháp luật có liên quan, trong đó sửa đổi Luật các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong phiên thảo luận cũng có nhiều ý kiến đồng tình với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 do các chính sách xử lý nợ xấu cần được tiếp tục duy trì, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. 

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 là hợp lý. Để triển khai thực hiện Nghị quyết này tốt hơn, đại biểu đề nghị trong thời gian tới Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan, các địa phương khẩn trương xử lý dứt điểm những vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 thời gian qua. Trong đó đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước và nâng cao năng lực tài chính quản trị, tạo điều kiện để hệ thống các tổ chức tín dụng thực hiện xử lý nợ xấu. Chủ động nhận diện khoản nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu để chủ động có giải pháp ngăn chặn; nghiêm túc đánh giá khả năng thu nợ, đẩy mạnh quản trị rủi ro. Các tổ chức tín dụng cần mạnh tay trích lập quỹ dự phòng rủi ro tín dụng sát với thực chất các khoản nợ đã cơ cấu lại, đảm bảo nợ xấu được kiểm soát. Đề nghị Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu kiểm soát phát sinh nợ xấu; khơi thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Song song với việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, Chính phủ cần khẩn trương sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng và phải luật hóa quy định về nợ xấu.

* Buổi chiều ngày 26/5/2022, Đoàn ĐBQH tỉnh thảo luận ở tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) và dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban công tác đại biểu Quốc hội cho rằng việc xây dựng dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là rất cần thiết nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và giải quyết các vấn đề về thực tiễn phát sinh chưa có cơ sở pháp lý. Đại biểu cho rằng dự thảo luật đã quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể trong quan hệ khám, chữa bệnh. Tuy nhiên lại chưa đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh. Nếu trong tình trạng cấp phép sai, cấp phép cho các chủ thể không đủ năng lực dẫn đến hậu quả thì trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ như thế nào? Đại biểu đề nghị dự thảo luật phải bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho cơ sở khám, chữa bệnh gắn với trách nhiệm giải trình và giám sát việc cấp phép, nhất là khi Nhà nước đã mở rộng xã hội hóa về công tác khám, chữa bệnh. Đồng thời cũng phải quy định cụ thể trách nhiệm y đức của các chủ cơ sở phòng khám, chữa bệnh, nhất là phòng khám có yếu tố nước ngoài. Tại điều 6 dự thảo Luật (các hành vi bị cấm), đại biểu đề nghị bổ sung thêm 2 hành vi bị nghiêm cấm, đó là: "hành vi của chủ các cơ sở khám chữa bệnh trong việc ép người hành nghề khám chữa bệnh làm việc trái với chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp không đúng với quy định của pháp luật"; "hành vi lợi dụng uy tín, tầm ảnh hưởng của cá nhân, tổ chức để quảng cáo gian dối về phương pháp chữa bệnh, thuốc chữa bệnh". Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng dự thảo có tới 18 điều do Chính phủ quy định (chiếm 1/5 tổng số điều trong dự thảo luật) điều này gây khó khăn trong quá trình tổ chức triển khai việc thực hiện Luật này. Tại điều 25, đại biểu đề nghị nên có quy định khái quát vị trí pháp lý, mô hình tổ chức, hoạt động và nguồn kinh phí hoạt động của Hội đồng y khoa Quốc gia…

Đại biểu Đinh Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Kim Sơn tán thành với việc cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh; đánh giá cao dự thảo được chuẩn bị công phu, sửa đổi, bổ sung được các quy định mới nhằm cụ thể hóa một bước Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, khắc phục được những hạn chế mà thực tiễn đã phát sinh. Góp ý về các quy định liên quan đến điều kiện để cá nhân được phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đại biểu cho rằng dự thảo vẫn chưa quan tâm đến nguồn nhân lực của ngành y. Dự thảo Luật cần tạo hành lang pháp lý để đội ngũ y, bác sĩ giỏi được khám chữa bệnh có thể là trực tiếp tại một địa điểm và trực tuyến tại nhiều nơi, để có thể phát huy được năng lực của đội ngũ này. Bên cạnh đó, đại biểu góp ý cụ thể về những quy định xung quanh việc xử lý chất thải y tế.

Về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng Dự thảo luật kế thừa các quy định hiện hành về tổ chức các cơ quan thanh tra Nhà nước và thiết kế mô hình các cơ quan thanh tra cho phù hợp với thực tiễn quản lý Nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. Đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thanh tra hiện hành, đại biểu cũng đồng tình với việc tách nội dung thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra và chuyển sang các quy định của Luật thực hiện dân chủ tại cơ sở. Về tổ chức các cơ quan thanh tra, đại biểu đề nghị dự thảo Luật nên quy định rõ các tiêu chí thành lập thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương. Ngoài ra, đại biểu góp ý cụ thể về các điều khoản được quy định tại điều 6, điều 43 của dự thảo luật./.

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661