Xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, sau khi xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV nhằm kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề lớn, quan trọng, cấp bách về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng nhanh với những thay đổi của thực tiễn cuộc sống và đáp ứng lòng mong đợi của cử tri, Nhân dân cả nước.
Sau 4,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Tại kỳ họp này, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy dân chủ, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, hiến kế và đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có liên quan đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc ngày đêm, tổng hợp đầy đủ, tiếp thu, giải trình nghiêm túc, cầu thị các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 01 Luật, 04 Nghị quyết với sự thống nhất cao.
Thành công của kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, khẳng định quyết tâm của Quốc hội, luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục khẳng định tinh thần, trách nhiệm, sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, phúc đáp kịp thời những yêu cầu cấp bách từ thực tiễn, thể hiện rõ vai trò của các vị đại biểu Quốc hội là người đại diện của Nhân dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ.
1. Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành đã bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để chủ động trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi thị trường lao động, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển bền vững, thích ứng linh hoạt với trạng thái bình thường mới và bắt kịp với xu thế phát triển của thế giới. Nghị quyết đưa ra các chính sách hỗ trợ với quy mô, nguồn lực đủ lớn, có mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, xác định đúng và trúng đối tượng cần hỗ trợ; thời gian thực hiện chủ yếu trong 2 năm 2022 và 2023 với lộ trình thích hợp để nâng cao năng lực phòng chống dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm với những mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn sau.
- Về chính sách tài khóa, bao gồm: Chính sách miễn, giảm thuế; tăng chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước tối đa 176 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực y tế, phòng, chống dịch bệnh, an sinh xã hội, lao động, việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động; tăng hạn mức bảo lãnh Chính phủ đối với trái phiếu phát hành trong nước cho Ngân hàng Chính sách Xã hội. Cho phép tăng bội chi ngân sách nhà nước khoảng 1-1,2% GDP/năm, không vượt quá 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022 và 2023.
- Về chính sách tiền tệ, bao gồm: Điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ; phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1%; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; sử dụng các nguồn tài chính hợp pháp để nhập khẩu vắc xin, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch trong trường hợp cần thiết; tiếp tục tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động, bảo đảm tính khả thi và tổ chức triển khai nhanh trong thực tế,...
Ngoài ra, cho phép áp dụng các chính sách khác, gồm: Sử dụng khoảng 5 nghìn tỷ đồng từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để phát triển hạ tầng viễn thông, internet, trong đó có 1 nghìn tỷ đồng trang bị máy tính bảng thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em”; khoảng 5 nghìn tỷ đồng để đổi mới công nghệ, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ,... và cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện.
2. Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được ban hành có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong trung và dài hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, kết nối các tỉnh, thành phố, vùng kinh tế trọng điểm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của Nhân dân, giúp giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án gồm các đoạn từ Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đến Cam Lộ (Quảng Trị), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa) và từ Cần Thơ đến Cà Mau. Dự án đầu tư khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập theo hình thức đầu tư công. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 146.990 tỷ đồng. Quốc hội giao Chính phủ triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên của Dự án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương trước khi quyết định đầu tư dự án,...
3. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự được ban hành nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục trong hoạt động đầu tư kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, trong công tác thi hành án dân sự; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.
3.1. Sửa đổi, bổ sung điểm b, c và d khoản 4 Điều 17, bổ sung khoản 5a vào sau khoản 5 Điều 17 và sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 25 Luật Đầu tư công theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý. Đồng thời, bổ sung quy định giao Chính phủ quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ khi thực hiện việc phân cấp theo quy định này.
3.2. Sửa đổi quy định tại điểm b khoản 2 Điều 12 của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư theo nguyên tắc phân quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B và nhóm C đối với các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư có sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài nhằm đảm bảo đồng bộ với đề xuất sửa đổi quy định của Luật Đầu tư công, góp phần cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án này.
3.3. Sửa đổi, bổ sung điểm g và bổ sung điểm g1 vào sau điểm g khoản 1 Điều 31, sửa đổi, bổ sung điểm b và bổ sung điểm b1 vào sau điểm b khoản 1 Điều 32, bổ sung điểm g vào sau điểm e Điều 33 và bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư theo hướng phân quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (trừ dự án đầu tư tại khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới). Bổ sung quy định về nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư gồm “Đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với yêu cầu bảo vệ, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”. Quy định này sẽ tạo cơ chế để tăng cường giám sát, kiểm tra khi phân cấp, đảm bảo các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa có ý kiến đối với dự án ngay từ khâu chấp thuận chủ trương đầu tư, khắc phục tình trạng các dự án đã triển khai mới xin ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
Bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 75 của Luật Đầu tư sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở.
Bổ sung vào Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện: “Kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng (trừ kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự)” để đáp ứng yêu cầu cấp bách về bảo vệ an ninh mạng trên thực tiễn.
3.4. Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 23 của Luật Nhà ở nhằm phân định rõ các hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, tháo gỡ vướng mắc về trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư với thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Cụ thể: quy định hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp thuộc một trong hai trường hợp: (i) Có quyền sử dụng đất ở; (ii) Có quyền sử dụng đất ở và đất khác không phải là đất ở đáp ứng điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư; đồng thời, việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai và không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật. Sau khi đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai.
3.5. Bổ sung Điều 33a vào sau Điều 33 và sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật Đấu thầu theo hướng: việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
3.6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2ª vào sau khoản 2 Điều 4 và bổ sung điểm d1 vào sau điểm d khoản 1, bổ sung điểm h1 vào sau điểm h khoản 2 Điều 40 của Luật Điện lực. Theo đó, khoản 2 Điều 4 đã sửa đổi, bổ sung để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia hoạt động đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh và theo quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện và tư vấn chuyên ngành điện lực. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng. Đồng thời, bổ sung quy định về Nhà nước độc quyền vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng; quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền đấu nối. Chủ đầu tư lưới điện truyền tải chỉ được từ chối yêu cầu đấu nối của tổ chức, cá nhân khác đối với lưới điện truyền tải do mình đầu tư xây dựng trong trường hợp không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đúng quy hoạch,…
3.7. Sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp theo hướng sửa đổi cụm từ “thành viên Hội đồng thành viên” thành “thành viên công ty” tại Điều 49 và Điều 50 của Luật Doanh nghiệp để bảo đảm thống nhất với các quy định liên quan của Luật này; sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 109 của Luật Doanh nghiệp, theo đó bỏ yêu cầu kiểm toán đối với báo cáo và tóm tắt báo cáo tài chính giữa năm của doanh nghiệp nhà nước công bố trên trang thông tin điện tử của công ty và của cơ quan đại diện chủ sở hữu; sửa đổi, bổ sung về việc tham dự và biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông theo khoản 1 và khoản 2 Điều 148 của Luật Doanh nghiệp năm 2020, điều kiện để nghị quyết Đại hội đồng cổ đông được thông qua dựa trên tỷ lệ số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông tham dự và biểu quyết tại cuộc họp tán thành; về việc ký biên bản họp tại điểm e khoản 2 và 3 Điều 60 và khoản 2 Điều 158 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì trường hợp chủ tọa, người ghi biên bản từ chối ký biên bản họp nhưng nếu được tất cả thành viên khác của Hội đồng quản trị đã tham dự và đồng ý thông qua biên bản họp ký và có đầy đủ nội dung theo quy định thì biên bản này có hiệu lực; sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 217 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh là doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn do doanh nghiệp nhà nước 100% vốn nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
3.8. Sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm định hướng sản xuất và tiêu dùng để phát triển ngành công nghiệp sạch, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất trong nước chuyển đổi, phát triển ngành công nghiệp ô tô thân thiện với môi trường, phù hợp với xu thế phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đã bổ sung Điều 7 về Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt theo hướng áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt trong 5 năm kể từ khi Luật có hiệu lực bằng 20% mức thuế suất hiện hành đang áp dụng đối với xe ô tô thuần điện; kể từ năm thứ 6 trở đi, tăng mức thuế suất trở lại ở mức hợp lý, bằng 75% mức thuế suất hiện hành; quy định này áp dụng cả đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất lắp ráp trong nước.
3.9. Sửa đổi, bổ sung các quy định về ủy thác xử lý tài sản tại Điều 55, thẩm quyền ủy thác xử lý tài sản tại Điều 56 và thủ tục ủy thác thi hành án và ủy thác xử lý tài sản tại Điều 57 của Luật Thi hành án dân sự nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập do quy định của Luật Thi hành án dân sự hiện hành, đồng thời, kịp thời thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong công tác này.
4. Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ được ban hành nhằm kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu là thành phố trung tâm vùng, sinh thái, văn minh, hiện đại, là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài những nội dung chính sách áp dụng tương tự như một số thành phố trực thuộc trung ương khác (gồm: quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý), Quốc hội quyết định thí điểm thêm 02 chính sách đặc thù, quan trọng khác về thu hút đầu tư để xã hội hóa việc nạo vét cửa Định An đến các cảng của thành phố Cần Thơ; ưu đãi đối với các dự án đầu tư vào Trung tâm liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản nhằm thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, tạo ra các động lực tăng trưởng mới, tăng tính kết nối tiêu thụ và gia tăng giá trị sản phẩm, đẩy mạnh dịch vụ logistic, tăng tính cạnh tranh, thu hút lao động, ứng dụng khoa học, công nghệ, để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ.
5. Nghị quyết kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV được ban hành đã khẳng định các kết quả đạt được của kỳ họp, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần tiếp tục triển khai thi hành các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua; khẩn trương ban hành và triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm các giải pháp khả thi, hiệu quả; tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch đã được quyết định tại các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Khẩn trương ban hành, chủ động chỉ đạo quyết liệt tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023); tiếp tục theo dõi sát sao, chủ động nắm chắc, dự báo diễn biến của dịch; tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với biến thể Omicron và các biến thể mới.
Khẩn trương hoàn thành việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam; đẩy nhanh lộ trình tiêm mũi tăng cường cho người từ 18 tuổi trở lên; nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình phù hợp, khoa học để tiêm vắc xin cho người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động phát hiện sớm các vi phạm, hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; tập trung khẩn trương, quyết liệt mở rộng điều tra, làm rõ việc giao nhiệm vụ, nghiên cứu, nghiệm thu, chuyển giao, cấp phép lưu hành, hiệp thương giá, tổ chức sản xuất, chất lượng sản phẩm, mua bán kit xét nghiệm COVID-19 và các vi phạm pháp luật khác (nếu có) liên quan đến Công ty Việt Á; xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sức ép và sự can thiệp nào trái pháp luật,…
6. Về tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân
Trên cơ sở kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Ban Dân nguyện đã tổng hợp 05 nhóm vấn đề nổi bật được đông đảo cử tri và Nhân dân quan tâm gửi đến kỳ họp[1]; theo đó, cử tri và Nhân dân tin tưởng, đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương trong công tác phòng, chống dịch. Trên cơ sở đó, Báo cáo đã tổng hợp 06 nhóm kiến nghị gửi tới Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, thực hiện và thông báo đến cử tri và Nhân dân biết để giám sát theo quy định. Trong đó, kiến nghị nghiên cứu, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật và đề ra các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh, hạn chế các ca lây nhiễm trong cộng đồng; nghiên cứu gia hạn thời gian và có giải pháp hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và 126/NQ-CP của Chính phủ; kịp thời có chính sách tạo việc làm cho người lao động, bảo đảm nhân lực cho các doanh nghiệp; tiếp tục hỗ trợ hệ thống y tế nhằm đối phó hiệu quả dịch bệnh; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, phân phối trang thiết bị vật tư y tế, vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19; nghiên cứu, có các biện pháp hữu hiệu hơn để chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện đối với trẻ em,...
Tác giả bài viết: Phòng TTDN
Đang truy cập: 47
Hôm nay: 147
Tổng lượt truy cập: 435374