Thực hiện nhiệm vụ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức giám sát việc thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Qua giám sát, cho thấy ngay sau khi Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh; đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến nay, tổng nguồn vốn triển khai Chương trình được bố trí từ Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam năm 2022 là 238,7 tỷ đồng, đã thực hiện giải ngân 238 tỷ đồng (đạt 99,7%)[1]. Thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay có lãi suất trên 6%/năm đã được giải ngân trên địa bàn với số tiền là 8,993 tỷ đồng.
Có thể nói, việc kịp thời triển khai thực hiện Chương trình đã giải quyết được nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất và phát triển kinh tế của người dân; nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 28.500 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Chi nhánh; trong đó, có trên 4.800 lượt hộ nghèo được vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 3,07% cuối năm 2021 xuống khoảng 2,45% cuối năm 2022; thu hút và tạo việc làm cho trên 10.000 lao động; giúp cho trên 2.200 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua trang thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính; xây dựng cải tạo trên 24.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng trên 150 ngôi nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách; góp phần tích cực trong việc đẩy lùi “tín dụng đen”, nhất là ở các vùng nông thôn; tạo nguồn sinh kế, nâng cao đời sống của người dân, đảm bảo đời sống thiết yếu, nhất là đối với những đối tượng chịu ảnh hưởng lớn do đại dịch Covid; qua đó, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: nguồn vốn đối với chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm mới đáp ứng được một phần nhu cầu vốn của đối tượng thụ hưởng của chương trình này (bố trí 160 tỷ đồng/nhu cầu 470 tỷ, chiếm 34%); việc giải ngân chương trình cho vay dành cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập phải ngừng hoạt động do dịch Covid-19 còn hạn chế.
Sau giám sát, Đoàn đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, để dành nguồn lực từ những chương trình đã giải ngân cơ bản đáp ứng được như cầu vay vốn của người dân sang chương trình có nhu cầu vay vốn cao như chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; kiến nghị tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách; quan tâm ban hành chính sách cho vay giải quyết việc làm nhằm hỗ trợ đối tượng lao động thiếu việc làm, lao động trong các hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn để phát triển kinh tế, tăng thu nhập; kiến nghị Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh tiếp tục tích cực, chủ động, tiếp tục phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan liên quan trong việc rà soát nhu cầu vay vốn của các chương trình tín dụng thuộc Chương trình, giải ngân các chương trình vay thuộc Chương trình đảm bảo đúng đối tượng, đúng mục đích, công khai, minh bạch, tránh trục lợi chính sách./.
[1] Cụ thể từng chương trình tính đến 30/11/2022 như sau: (1) Nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 160 tỷ đồng, đã giải ngân 160 tỷ đồng với 2.938 khách hàng được vay vốn, đạt 100%. (2) Nguồn vốn cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở là 57 tỷ đồng, đã giải ngân 55,3 tỷ đồng với 140 khách hàng được vay vốn, đạt 97%. (3) Nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị phục vụ học trực tuyến là 15,75 tỷ đồng, đã giải ngân 15,6 tỷ đồng với 1.054 khách hàng vay vốn mua máy tính, thiết bị học trực tuyến cho 1.563 học sinh, sinh viên, đạt 99,04%. (4) Nguồn vốn cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 28/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ là 1 tỷ đồng, đã giải ngân 1 tỷ đồng với 13 khách hàng vay vốn, đạt 100%. (5) Nguồn vốn cho vay đối với cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 là 5 tỷ đồng, đã giải ngân 4,04 tỷ đồng với 50 khách hàng vay vốn, đạt 80,8%. (6) Đối với chương trình cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho người lao động được triển khai theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai từ 01/7/2021 đến hết ngày 31/3/2022 được triển khai từ nguồn tái cấp vốn. Chi nhánh đã thực hiện giải ngân được 1,925 tỷ đồng cho 5 người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 508 lượt lao động. Trong đó: 01 người sử dụng lao động vay 64 triệu đồng để trả lương ngừng việc cho 18 lượt lao động; 04 người sử dụng lao động vay 1,861 tỷ đồng đồng trả lương phục hồi sản xuất cho 490 lượt lao động. Đến nay, 5/5 người sử dụng lao động đều đã hoàn trả vốn vay theo đúng thỏa thuận.
Tác giả bài viết: Phòng TTDN
Đang truy cập: 49
Hôm nay: 238
Tổng lượt truy cập: 435465