Main
Thứ sáu, ngày 18/10/2024

Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 01/10/2024

Ngày 30/9/2024, các đồng chí: Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Đinh Việt Dũng, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh đã có buổi tiếp xúc với cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tại huyện Kim Sơn và Thành phố Tam Điệp.

Cùng dự có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo: Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, các số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các huyện, thành phố: Kim Sơn, Tam Điệp.

Ảnh: Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 QH khóa XV

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo với cử tri nội dung, chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Theo dự kiến, kỳ họp thứ 8 diễn ra tại Thủ đô Hà Nội sẽ được khai mạc vào ngày 21/10/2024 và bế mạc vào ngày 30/11/2024 (Đợt 1 từ ngày 21/10/2024 đến sáng ngày 13/11/2024; đợt 2 từ ngày 20/11/2024 đến ngày 30/11/2024). Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 16 dự án luật, 02 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Bên cạnh đó, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.

Ảnh: Đại biểu tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8 QH khóa XV

Với tinh thần dân chủ, thẳng thắn, cử tri đã phản ánh khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách, đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm giải quyết.

Quan tâm đến chiến lược phát triển của tỉnh, cử tri đề nghị Quốc hội xem xét để Ninh Bình sớm được hưởng các chính sách đặc thù về đô thị di sản, qua đó giúp Ninh Bình có thêm các nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã, cử tri đề nghị: Xem xét việc kéo dài thời gian chuyển đổi định kỳ đối với công chức Địa chính - xây dựng, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý đất đai tại cơ sở. Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp huyện trở lên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc bố trí, sắp xếp giữa cán bộ, công chức cấp xã và cấp huyện.

Về chế độ BHXH đối với quân nhân, công an nhân dân đã phục viên, xuất ngũ sau ngày 15/12/1993 về địa phương tham gia hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, đề nghị nghiên cứu điều chỉnh cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an vào thời gian công tác để tính hưởng BHXH.

Ảnh: Cử tri tham dự hội nghị

Về vấn đề giáo dục, cử tri cho rằng, chế độ lương đối với giáo viên mầm non hiện nay còn nhiều thiệt thòi so với các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Do vậy, cử tri đề nghị cần điều chỉnh hệ số lương của giáo viên mầm non như giáo viên tiểu học. Đồng thời đề nghị bổ sung thêm chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ ăn trưa cho trẻ nhà trẻ thuộc đối tượng hộ nghèo.

Về lĩnh vực y tế, cử tri đề nghị cân đối, ưu tiên nguồn lực, bổ sung thêm các hạng mục thuốc, trang thiết bị được hưởng từ bảo hiểm y tế đảm bảo người dân được cung ứng dịch vụ tốt, phục vụ tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho Nhân dân đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế.

Về lĩnh vực quân sự, an ninh trật tự, cử tri đề nghị: Tăng cường các chế tài xử phạt nghiêm đối với những trường hợp trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Sớm sửa đổi Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam để phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của Quân đội là "ngành lao động đặc biệt" và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, kịp thời khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Sĩ quan. Nghiên cứu các giải pháp, các quy định để kiểm soát các nội dung thông tin đăng trên các mạng xã hội; có biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời các thông tin sai sự thật; xử lý đối với những trường hợp lợi dụng mạng xã hội làm nhiễu thông tin, xâm hại đến lợi ích của cá nhân và tổ chức; nghiên cứu những giải pháp bảo vệ người dân trước những thông tin độc trên mạng, tăng cường công tác kiểm tra xử lý các nhà mạng để xảy ra tình trạng tin nhắn rác gây bức xúc cho người dân. Sớm sửa đổi Luật Quảng cáo để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội.

Liên quan đến lĩnh vực kinh tế, cử tri đề nghị phân cấp thẩm quyền đối với nguồn vốn đầu tư công cấp huyện, cấp xã cho HĐND cấp huyện, cấp xã quyết định để đảm bảo tính kịp thời và linh hoạt; có hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư ở cấp xã, đồng thời xem xét, điều chỉnh, bổ sung Luật đầu tư công về nội dung quy định “Đối với kế hoạch đầu tư công hằng năm phân bổ từ nguồn tăng thu báo cáo Thường trực HĐND quyết định và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất” để đảm bảo thống nhất với Luật Ngân sách Nhà nước. Xem xét điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể việc sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên cho các nhiệm vụ cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng…Trong đó, đối với các nhiệm vụ, gói thầu, dự án có cấu phần xây dựng điều chỉnh nâng hạn mức chỉ định thầu đến dưới 1,0 tỷ đồng để thống nhất với hạn mức chỉ định thầu của các dự án sử dụng nguồn đầu tư công và nhằm rút ngắn thời gian, tiết kiệm chi phí trong việc triển khai thực hiện góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn ngân sách.

Tại các buổi tiếp xúc, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trao đổi, làm rõ những vấn đề thuộc thẩm quyền.

Ảnh: Đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại hội nghị tiếp xúc cử tri

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cảm ơn sự tin tưởng, ủng hộ của cử tri trong suốt thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh kỳ họp thứ 8 là một kỳ họp với khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong đó công tác lập pháp chiếm một thời lượng lớn của kỳ họp nhằm từng bước hướng tới xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, nhân văn, khả thi, hiệu quả và hội nhập quốc tế, vừa bảo đảm tính ổn định vừa đáp ứng yêu cầu tính thực tiễn. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri, cũng như các cơ quan chức năng trong quá trình triển khai, thực hiện chế độ, chính sách, phát hiện những bất cập, phản ánh tới Đoàn ĐBQH tỉnh gửi tới kỳ họp, để Quốc hội xem xét, điều chỉnh, ban hành các văn bản pháp luật phù hợp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tiếp thu kiến nghị của cử tri hai huyện, thành phố Kim Sơn, Tam Điệp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã chia sẻ, làm rõ một số vấn đề cử tri quan tâm về chính sách đặc thù cho tỉnh Ninh Bình, chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức cấp xã, các ý kiến liên quan đến lĩnh vực y tế, giáo dục, vấn đề lừa đảo trên không gian mạng, sửa đổi Luật Quảng cáo

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 94

Tổng lượt truy cập: 429357