Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tổ tờ trình và báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc

Thứ ba, 07/06/2022

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 06/6/2022, sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1); Chủ trương đầu tư Dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận ở tổ về các nội dung trên. Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 15 cùng đại biểu các tỉnh: Hưng Yên, Hà Tĩnh, Ninh Thuận. 

Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận tổ

Đa số các đại biểu nhất trí với sự cần thiết đầu tư các dự án để đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia nói chung và các vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, đồng thời tăng cường bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ tính cấp thiết, khả năng bố trí nguồn lực, đánh giá tác động của việc sử dụng vốn đầu tư công triển khai cùng lúc nhiều dự án hạ tầng đối với lạm phát, khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu.

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thành Công, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng: Cần bổ sung đánh giá kỹ hơn về tác động của các dự án đến tuyến đường hiện hữu, đặc biệt là khả năng thu hồi vốn của chính dự án và các tuyến đường hiện hữu. Với các dự án đầu tư công và dự án PPP số vốn cần phân bổ rất lớn, đại biểu đề nghị để không gây áp lực lớn tới phân bố vốn nên ưu tiên các dự án có tính cấp bách, có tính liên tỉnh, liên vùng, đem lại phát triển kinh tế và khả năng thu hồi vốn. Về phương án cơ cấu vốn trong tờ trình Chính phủ, đại biểu đề nghị Chính phủ giải trình chi tiết hơn phương án bố trí phân bổ vốn trung ương cho từng dự án thành phần, cần cam kết rõ số vốn, tiến độ; phân tích ưu, nhược điểm về các phương án đầu tư với từng dự án để các đại biểu Quốc hội có thêm cơ sở cho ý kiến về tính đúng đắn của đề xuất hình thức đầu tư đối với từng dự án. Đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về thời gian hoàn thành các dự án là năm 2025 có khả thi không? 

Ảnh: Đồng chí Mai Khánh, Chánh án TAND tỉnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tổ

Đại biểu Mai Khanh, Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Ninh Bình cho rằng: Hiện nay với tốc độ lạm phát, giá xăng dầu rõ ràng trong các dự án xây dựng đều chịu tác động, dẫn tới việc cung ứng vật liệu đều khó. Việc đồng thời triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc trong cùng một thời gian, trong khi đó giá xăng dầu, giá đầu vào các nguyên vật liệu xây dựng, chi phí vận tải, logistic tăng cao, dự báo sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ giải ngân vốn và tiến độ thi công các công trình. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải phân tích, dự báo, cân nhắc và có giải pháp cụ thể để ứng phó với tình hình hiện nay, cam kết đảm bảo tiến độ hoàn thành và chất lượng của các dự án. Các cơ quan thẩm định giá cần linh hoạt, khẩn trương, bám sát khung giá để cung ứng vật tư trong khi thi công./.

Tác giả bài viết: Phòng TTDND

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661