Main
Thứ sáu, ngày 18/10/2024

Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Thứ năm, 10/10/2024

Sáng ngày 10/10/2024, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trình tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, Hội Luật gia, Đoàn Luật sư, đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố.

Ảnh: Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh quán triệt, định hướng một số nội dung cần đóng góp sửa đổi đối với hai dự thảo Luật với các nhóm vấn đề liên quan, cần thiết sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Tại hội nghị, đa số các ý kiến cơ bản thống nhất với nội dung các Chương, Điều của 02 dự thảo luật.

Ảnh: Đại biểu phát biểu tại hội nghị

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, các đại biểu đều nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật BHYT hiện hành nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Nhiều đại biểu đóng góp cần có quy định rõ hơn về khám chữa bệnh ban đầu cho người có bảo hiểm y tế, vận chuyển người bệnh, dịch vụ cấp cứu trước bệnh viện. Các vấn đề liên quan đến người nghèo, cận nghèo mắc các bệnh hiểm nghèo. Đối tượng và các hình thức hỗ trợ người hưởng bảo hiểm y tế khi mắc bệnh hiểm nghèo, tính đa dạng linh hoạt của bảo hiểm y tế, việc tự chủ tài chính của các bệnh viện, cách thức quản lý bảo hiểm xã hội, bảohiểm y tế…

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các ý kiến cho rằng Luật sửa đổi bổ sung cần tập trung vào các nội dung giám sát, lựa chọn nội dung giám sát, chất vấn; quy định về thời gian, đối tượng giám sát. Cần cân nhắc quy định cứng về giám sát để không ảnh hưởng đến vấn đề cần giám sát của đại biểu quốc hội, HĐND. Việc giám sát chuyên đề, giám sát về khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Cần có quy định thực hiện thông báo các kiến nghị của HĐND qua giám sát. Có quy định về thời gian, thời hiệu giám sát phù hợp với giai đoạn giám sát. Quy định rõ quy mô giám sát của HĐND các cấp. Quy định rõ hơn về công khai các kết luận giám sát của quốc hội, HĐND đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả giám sát. Một số vấn đề chưa cần luật hoá cần bổ sung vào các quy định ở các nghị quyết, các văn bản khác cho linh hoạt hơn…

Ảnh: Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tiếp thu ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại hội nghị đã cung cấp thông tin, báo cáo, giúp Đoàn nắm bắt tổng thể, nhất là những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các dự án Luật. Đây cũng là kênh thông tin quan trọng để ĐBQH tỉnh tham gia, góp ý vào công tác xây dựng sửa đổi, bổ sung Luật trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng Công tác Quốc hội

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 79

Tổng lượt truy cập: 429342