Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh khảo sát việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012

Thứ bảy, 04/05/2024

Chiều ngày 3/5/2024, để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và góp ý vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn năm 2012 tại Liên đoàn lao động tỉnh. Đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Ảnh: Quang cảnh hội nghị

Thời gian qua, việc thực hiện Luật Công đoàn năm 2012 trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Nhất là trong việc thi hành quy định của Luật về: Địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp công tác; quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn; hệ thống tổ chức, bộ máy và cán bộ công đoàn; nguyên tắc tổ chức và hoạt động công đoàn; quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; quyền tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đối với công đoàn; tài chính công đoàn.

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi làm rõ thêm các nội dung về tài chính công đoàn; tổ chức, bộ máy và cơ chế quản lý cán bộ công đoàn; địa vị pháp lý của công đoàn Việt Nam; chức năng tham gia quản lý nhà nước, kinh tế-xã hội của các tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh; công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức công đoàn đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp… Các đại biểu cũng kiến nghị Quốc hội xem xét: có giải pháp quy định cơ chế quản lý biên chế phù hợp trong Luật Công đoàn (sửa đổi), tăng quyền chủ động của công đoàn trong bố trí đội ngũ cán bộ công đoàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; tháo gỡ về chính sách tuyển dụng cán bộ công đoàn; quan tâm có giải pháp để bảo vệ quyền lợi, chế độ đãi ngộ cho cán bộ công đoàn, tạo điều kiện cho họ yên tâm công tác; xem xét quy định thời gian làm nhiệm vụ công đoàn cho cán bộ công đoàn cơ sở hợp lý, phù hợp; cho phép người lao động khu vực không chính thức có quyền thành lập, gia nhập công đoàn để họ được bảo vệ quyền lợi. Các đại biểu cũng đề nghị việc sửa Luật Công đoàn lần này cần quy định cụ thể và có chế tài phù hợp, khả thi để ngăn ngừa, xử lý các hành vi phân biệt đối xử đối với người lao động và tổ chức công đoàn; quy định rõ hơn về quyền chủ động thực hiện giám sát của công đoàn để nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của tổ chức công đoàn; tiếp tục thực hiện quy định nguồn thu 2% kinh phí công đoàn, đồng thời có chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp cố tình không đóng kinh phí công đoàn.

Phát biểu kết luận buổi khảo sát, đồng chí Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá cao khâu chuẩn bị, sự phối hợp chặt chẽ của Liên đoàn lao động tỉnh; yêu cầu Liên đoàn lao động tỉnh bổ sung nguyên nhân của những tồn tại; tách và làm rõ thêm một số nội dung theo từng chủ điểm để hoàn thiện báo cáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp báo cáo gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật trong thời gian tới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Vân Giang - Phòng Công tác Quốc hội

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661