Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 29/10/2024, các đại biểu thảo luận ở tổ về: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và một số dự án Luật khác.
Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận Tổ
Dự buổi thảo luận có đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Cạn. Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn chủ trì thảo luận Tổ.
Phát biểu thảo luận tại tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh mục đích của việc sửa đổi Luật Đầu tư công. Khẳng định việc Quốc hội xem xét, sửa đổi nhằm tháo gỡ những bất cập trong quá trình thực hiện Luật thời gian qua, qua đó góp phần tăng hiệu quả đầu tư công. Do vậy, đồng chí đề nghị các vị đại biểu Quốc hội dành thời gian thỏa đáng để nghiên cứu, góp ý kiến, đảm bảo sau khi sửa đổi Luật đi vào cuộc sống; thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Tham gia góp ý cụ thể về các quy định của dự thảo Luật, đại biểu nhấn mạnh một số nội dung:
Về giải thích từ ngữ: đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rà soát thật kỹ và mô tả kỹ các khái niệm: “báo cáo nghiên cứu tiền khả thi”; “báo cáo khả thi”; “chủ trương đầu tư”, “dự án đầu tư khẩn cấp”…
Về quy định liên quan đến chi phí lập, thẩm định, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công (Điều 16), theo đó, dự thảo đang quy định chi phí này sẽ được lấy trong nguồn chi thường xuyên và các nguồn hợp pháp khác. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc và lý giải rõ tại sao lại sử dụng đến nguồn chi thường xuyên. Và nếu có sử dụng nguồn chi thường xuyên thì cần phải quy định rất chặt chẽ, chỉ chi đối với những dự án thật cấp bách, có tính khả thi và những dự án có sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công và trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C…
Cùng tham gia thảo luận tại tổ về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Hồng Thanh thống nhất cao với sự cần thiết để sửa đổi toàn diện Luật.
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại thảo luận Tổ
Tham gia góp ý cụ thể về quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư (điều 18), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cơ bản nhất trí như dự thảo, cho rằng việc phân cấp này là cần thiết nhằm tạo sự chủ động cho UBND các cấp đặc biệt là cấp tỉnh trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý. Tuy nhiên để đảm bảo tính thống nhất giữa các nội dung sửa đổi này với các quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND thì việc chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư công từ cơ quan dân cử sang cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nghiên cứu để có những quy định trong luật về cơ chế kiểm soát quyền lực, tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo luật cũng cần nghiên cứu để làm rõ hơn trách nhiệm của người được giao chủ trì thực hiện trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư, phê duyệt danh mục dự án đầu tư và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án, đảm bảo tiến độ chất lượng. Bên cạnh đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải rà soát lại các nội dung quy định sửa Luật Đất đai cũng như Luật Tổ chức chính quyền địa phương để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống luật.
Góp ý kiến nội dung liên quan đến vấn đề về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công, đại biểu đề nghị cần rà soát để lược bỏ những nội dung quy định về thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các địa phương để đảm bảo theo đúng nguyên tắc, luật chỉ nên quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính chất nguyên tắc và tuyệt đối không được luật hoá các quy định của nghị định và thông tư.
Cũng trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu tập trung thảo luận về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia./.
Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng Công tác Quốc hội
Đang truy cập: 10
Hôm nay: 60
Tổng lượt truy cập: 435287