Chiều ngày 17/6/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật Công chứng (sửa đổi); Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ
Tham gia góp ý về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí cao sự cần thiết phải sửa đổi, Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng. Nhất trí cao với với Báo cáo thẩm tra, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo Dự án luật nghiên cứu thấu đáo báo cáo để hoàn thiện Dự án luật.
Góp ý cụ thể quy định về công chứng bản dịch, đại biểu đồng tình với những sửa đổi được quy định tại dự thảo Luật. Theo đó, cho phép các công chứng viên được thực hiện việc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của luật chứng thực.
Đại biểu cũng đề nghị cần có mục quy định riêng về công chứng điện tử theo hướng không giới hạn phạm vi nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế hiện nay, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, bảo đảm đồng bộ với những quy định mới của Luật giao dịch điện tử năm 2023. Tuy nhiên, đại biểu cũng lưu ý trong thực tiễn có thể có những yếu tố khi thực hiện công chứng điện tử vẫn chưa hoàn toàn thay thế được con người như: việc xác định người tham gia công chứng có đảm bảo đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia giao dịch hay không. Mặt khác, công chứng viên đảm bảo tính chính xác của các tài liệu công chứng, nếu thực hiện công chứng điện tử bằng hình thức trực tuyến sẽ gây rủi ro cho công chứng viên; việc đối soát với các tài liệu hồ sơ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, đề nghị trong dự thảo Luật cần có quy định giao cho Chính phủ quy định lộ trình thực hiện công chứng điện tử bằng hình thức trực tuyến, bảo đảm tính khả thi.
Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về: quy định giá trị pháp lý của văn bản công chứng; tiêu chuẩn bổ nhiệm công chứng viên; quản lý Nhà nước về công chứng; về mô hình tổ chức của Văn phòng Công chứng.
* Chiều ngày 18/6/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại tổ 12 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại Tổ
Tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhất trí với sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược, bổ sung các chính sách phù hợp, mang tính đột phá hơn so với Luật Dược năm 2016.
Góp ý cụ thể về chính sách phát triển công nghiệp dược, đại biểu cho đây là mục tiêu quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất nguyên liệu làm thuốc; nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc công nghệ cao, thuốc công nghệ sinh học, chuyên khoa đặc trị, hướng tới mục tiêu xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt tốc độ phát triển ở trình độ cao. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát hoàn thiện hơn đối với các nội dung quy định sửa đổi về ưu đãi để đảm bảo các chính sách về ưu đãi có tính đột phá, đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế xuất khẩu-nhập khẩu, Luật Thuế giá trị gia tăng. Đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định áp dụng ưu đãi đầu tư đặc biệt ở mức cao nhất về các chính sách thuế (Thuế thu nhập doanh nghiệp, Thuế xuất khẩu-nhập khẩu, Thuế giá trị gia tăng…), bảo đảm tính thống nhất với các Luật có liên quan và mối tương quan so sánh với các ngành đầu tư khác. Đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về thuốc điều trị bệnh hiếm gặp và đối tượng được ưu tiên về trình độ, thủ tục đăng ký lưu hành cấp phép nhập khẩu do có một số thuốc điều trị bệnh hiếm gặp nhưng không phải thuốc hiếm. Đề nghị rà soát để rút ngắn hơn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, quy trình thẩm định, cấp phép đối với hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc hiếm, vắc xin đã được tổ chức y tế thế giới tiền thẩm định và thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam.
Góp ý về phương thức kinh doanh thuốc qua nền tảng thương mại điện tử. Bày tỏ tán thành với loại hình kinh doanh này, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để bảo đảm an toàn sức khi thực hiện mua bán này cần có đơn của bác sĩ đối với những thuốc yêu cầu phải kê đơn và người mua thuốc không chỉ mua mà còn được tư vấn, cũng như theo dõi các phản ứng tác hại của thuốc. Trong khi đó, hiện nay dự thảo luật chưa có quy định cụ thể về điều kiện đối với sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh dược, chưa rõ về cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, đặc biệt là trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn đối với việc bán thuốc trực tiếp. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét để bổ sung nội dung trong dự thảo luật quy định cụ thể hơn, chặt chẽ hơn về phương thức kinh doanh mới này. Cần cân nhắc kỹ dựa trên cơ sở đánh giá về lợi ích, rủi ro, hậu quả đối với việc mua bán thuốc trực tuyến; đánh giá mức độ kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước và nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Ngoài ra, đại biểu cũng góp ý cụ thể về thủ tục cấp phép, gia hạn hoặc thay đổi giấy phép lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng Công tác Quốc hội
Đang truy cập: 51
Hôm nay: 222
Tổng lượt truy cập: 435449