Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 24/10/2024, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Dữ liệu. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đồng chí Đinh Việt Dũng, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh và các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ số 12 cùng với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Bắc Cạn.
Ảnh: Quang cảnh buổi thảo luận
Tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết dự thảo Luật Dữ liệu được Chính phủ xây dựng với 7 chương và 67 điều quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị, quản lý dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; quỹ phát triển dữ liệu; cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm dịch vụ về dữ liệu. Bố cục dự thảo Luật đáp ứng yêu cầu kỹ thuật lập pháp, các nội dung quy định trong dự thảo Luật cơ bản bám sát mục tiêu, quan điểm, chính sách đã được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng Luật Dữ liệu; thể chế đúng quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số.
Ảnh: Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) phát biểu tại buổi thảo luận Tổ
Đại biểu góp ý cụ thể đối với Điều 25, Điều 38 của Dự thảo luật, đại biểu đề nghị giải thích thêm khái niệm những dữ liệu khác; chủ sở hữu và quản lý khác mà chưa có quy định cụ thể thì chế tài nào để áp dụng và cần bổ sung, làm rõ trong dự thảo Luật; cần quy định rõ khi nào thì tổ chức, cá nhân được khai thác dữ liệu trong cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Nếu phải trả phí khai thác (quy định tại Điều 39) cần nêu rõ trả phí cho chủ thể nào. Điều 48, 49, 53 cần biên tập lại để quy định rõ chủ thể nào được thành lập sàn, điều kiện thành lập sàn đối với từng chủ thể, điều kiện cấp phép hoạt động…
Đại biểu cũng đề nghị cần cân nhắc một số quy định về thẩm quyền của Thường trực Ban Bí thư. Bên cạnh đó, theo đại biểu tại rất nhiều điều trong dự thảo Luật đều đề cập đến các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, nhưng chưa đề cập đến vai trò của MTTQ. Do vậy, đề nghị bổ sung cụm từ “MTTQ Việt Nam” vào cùng với cụm từ liên quan đến cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Cần cụ thể rõ hơn vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc cung cấp, kết nối, chia sẻ dữ liệu, nguồn lực…tại một số quy định của dự thảo Luật.
Tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, theo đó tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Bảo hiểm xã hội; những nội dung được quy định nhằm tháo gỡ bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật và thống nhất với 4 chính sách đã được thông qua khi đề nghị đưa dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung mở rộng phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT đối với dịch vụ cấp cứu; khám sàng lọc ung thư cổ tử cung. Đối với quy định về giám định bảo hiểm y tế, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nên giao cho một cơ quan độc lập bên ngoài giám định (hiện dự thảo đang quy định cơ quan BHYT giám định) nhằm bảo đảm tính khách quan, minh bạch. Đại biểu cũng góp ý cụ thể về quy định cho phép BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao…
Ngoài ra, tại tổ các đại biểu Quốc hội cũng thảo luận về các điều khoản cụ thể như về quy định liên quan đến đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, mức đóng, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế, phương thức đóng bảo hiểm y tế, thẻ bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế, mức hưởng bảo hiểm y tế; thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế; quy định về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; trách nhiệm của các cơ quan về bảo hiểm y tế...
Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng Công tác Quốc hội
Đang truy cập: 68
Hôm nay: 332
Tổng lượt truy cập: 435559