Ngày 28/5/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).
Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại hội trường
Tham gia góp ý tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã góp ý cụ thể các nội dung: Về kỹ thuật lập pháp; về quy định thu thập tài liệu chứng cứ; về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử; về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.
Về kỹ thuật lập pháp, đại biểu cho rằng: Trong chương I có một số hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động của Tòa án được quy định trong nhiều điều khoản khác nhau (khoản 1 Điều 11; khoản 2 Điều 18, khoản 3 Điều 18; ngoài ra chương I cũng có một số quy định về xử lý vi phạm được quy định tản mác trong một số điều khoản, như: khoản 4 Điều 11; khoản 4 Điều 17;...). Do vậy, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung một điều quy định riêng về các hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, xem xét bổ sung thêm một điều quy định về xử lý vi phạm nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho việc áp dụng. Việc bổ sung 2 điều luật như trên cũng tương tự như cách thức quy định trong các luật khác đã được Quốc hội ban hành.
Về quy định thu thập tài liệu chứng cứ trong giải quyết vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án. Theo đại biểu việc quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ tại Điều 15 dự thảo Luật là phù hợp về lý luận và thực tiễn, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, thể chế hóa định hướng trong Nghị quyết 27-NQ/TW là “xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh,…”. Tuy nhiên, quy định này sẽ dẫn đến việc sửa đổi một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính về nội dung này. Trong khi đó, việc thực hiện các đạo luật có liên quan chưa được tiến hành tổng kết, đánh giá toàn diện về việc thu thập tài liêu chứng cứ của Tòa án. Trên thực tế, trình độ dân trí, ý thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân hiện nay còn nhữnghạn chế nhất định, trong khi đội ngũ luật sư, người bào chữa chưa đáp ứng hết được yêu cầu của người dân. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát, đánh giá tác động kỹ hơn việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn này, nghiên cứu có những giải pháp hiệu quả để hướng dẫn, hỗ trợ tốt các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu chứng cứ.
Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đưa ra quan điểm lựa chọn phương án 2, bởivì việc sửa đổi theo hướng này sẽ đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp về tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân theo cấp xét xử, vừa bảo đảm được tính độc lập của các cấp tòa án, vừa tạo điều kiện để mỗi cấp tòa án chuyên sâu nghiên cứu án và xét xử một loại án trong phạm vi thẩm quyền được giao. Điều quan trọng hơn là, vì mỗi cấp tòa án chỉ chuyên sâu xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, tái thẩm nên sẽ khắc phục triệt để tình trạng can thiệp về chuyên môn, nghiệp vụ giữa các cấp toà án, dễ ảnh hưởng đến tính độc lập xét xử của mỗi cấp tòa án…
Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 điều 141), đại biểu lựa chọn phương án 1, bởi vì quy định này đảm bảo quyền con người, quyền công dân đối với hình ảnh, bí mật cá nhân, gia đình…quá trình diễn ra phiên tòa, phiên họp nhiều thông tin, chứng cứ được công bố tại phiên tòa nhưng chưa được kiểm chứng, đặc biệt là những thông tin về đời tư cá nhân, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh…các thông tin chứng cứ này cần được Hội đồng xét xử xem xét, kết luận trong bản án, quyết định. Đồng thời cũng đảm bảo tính tôn nghiêm tại phiên tòa. Nội dung quy định này không hẹp hơn so với Luật báo chí. Luật báo chí quy định hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật. Luật này và các luật khác có liên quan cho phép đến đâu thì báo chí được thực hiện đến đó…
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Vân Giang
Đang truy cập: 42
Hôm nay: 395
Tổng lượt truy cập: 435622