Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật

Thứ sáu, 21/06/2024

Ngày 20/6/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15; Dự án Luật Địa chất và khoáng sản; Dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cùng các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.

Phát biểu thảo luận tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh: 4 dự án luật (dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15)  là 4 lĩnh vực có sự điều chỉnh, tác động đến chính trị, kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân rất lớn. Do vậy, việc triển khai sửa đổi các nội dung liên quan đến các dự án luật nhằm phục hồi, thúc đẩy kinh tế cũng như giải quyết những vấn đề mà nhu cầu của doanh nghiệp, của Nhân dân liên quan đến vấn đề đất đai là rất cần thiết.

Để hoàn thiện các dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị bổ sung thêm điều khoản hiệu lực thi hành. Theo đó cần quy định rõ: Chính phủ chịu trách nhiệm ban hành theo thẩm quyền và chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong các Luật, đảm bảo các văn bản hướng dẫn có hiệu lực cùng với thời điểm hiệu lực thi hành của Luật và đảm bảo việc thực thi các luật này đi vào cuộc sống và đảm bảo độ chính xác, đúng đắn của dự án Luật này.

Về tên luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết: tại Điều 8 của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 có quy định về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có quy định tên gọi của văn bản là một câu ngắn gọn, một từ hoặc cụm từ phản ánh khái quát nội dung chủ yếu của văn bản. Đồng thời, tại Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua có nêu: Tên gọi chính thức của luật sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định khi xem xét thông qua dự án luật. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cân nhắc, điều chỉnh tên gọi của luật. Theo đó, đề nghị sửa là: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về hiệu lực thi hành của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15. Như vậy sẽ đúng với quy định, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tên gọi của luật thì phải phản ánh được cái nội dung chính của dự thảo luật mà dự thảo Luật này chủ yếu là điều chỉnh về hiệu lực thi hành của một số điều trong luật.

Tham gia thảo luận tại Tổ về Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Nguyễn Thành Công thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đồng tình với việc cần thiết phải ban hành Luật, nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế của quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng hiện hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực tiễn.

Góp ý cụ thể về quy định mối quan hệ giữa các quy hoạch, đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị cần làm rõ mối quan hệ giữa quy hoạch chung huyện với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, giữa quy hoạch chung xã với chỉ tiêu sửdụng đất được phân bổ tới đơn vị hành chính cấp xã tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện. Trường hợp cần thiết điều chỉnh cục bộ quy hoạch thì cần thực hiện quy trình điều chỉnh quy hoạch nông thôn trước hay thực hiện song song quy trình điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất; nguyên tắc điều chỉnh trong trường hợp này là như thế nào?

Về triển khai quy hoạch đối với không gian trên không, theo đại biểu, dự thảo Luật còn thiếu quy hoạch đối với khoảng không trên cao. Do vậy, để bắt kịp với thông lệ quốc tế, đại biểu cho rằng cần có tầm nhìn xa hơn đối với quy hoạch, đặc biệt là đối với quy hoạch không gian trên cao và phân chia khoảng không đối với các tòa nhà cao tầng. Bên cạnh đó, hiện nay liên quan đến xây dựng và quản lý điềutiết các phương tiện bay dân dụng phổ biến ở Việt Nam mới chỉ đang có Quy hoạch kết cấu hạ tầng hàng không và việc quản lý xây dựng đối với sân bay trực thăng trên nóc các tòa nhà cao tầng.Trong khi đó, theo xu hướng phát triển nhìn thấy được ở các nước trên thế giới, các “phương tiện bay” (flying vehicles) cá nhân đang ngày càng được phổ biến, không chỉ bó hẹp ở trực thăng hay máy bay cá nhân (private jet), mà còn có khả năng cao sẽ phát triển thành các “xe bay” (flying cars), ngày càng cá nhân hóa việc di chuyểntrên không. Quy hoạch đối với khoảng không trên cao là một lĩnh vực mới, đòi hỏi kỹ thuật cao và tư duy cũng như tầm nhìn hiện đại. Do vậy, đại biểu đề nghị cần có quy định trong luật để mở và khuyến khích việc xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý khoảng không đối với xu hướng mới này, cũng như cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ để có sự thống nhất trong quản lý, nâng tầm tầm nhìn quy hoạch.

Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng Công tác Quốc hội

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 54

Hôm nay: 353

Tổng lượt truy cập: 435580