Chiều ngày 25/6/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về về: Các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình tham gia thảo luận tại Tổ 12 cùng đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Bình, Hưng Yên, Ninh Thuận.
Tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết: Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo quan điểm, nguyên tắc bám sát chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và quy định của pháp luật để thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, khả năng chi trả của ngân sách nhà nước; bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin về các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và có hiệu quả chính sách. Trong đó nhấn mạnh: Chính phủ đề xuất tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng; tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; bổ sung quỹ tiền thưởng của khu vực công bằng 10% quỹ lương cơ bản. Trợ cấp ưu đãi người có công tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng; chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng 6%. Trong điều kiện hiện nay, nhất là sau đại dịch COVID-19, nhiều nước còn đang gặp khó khăn thì việc tăng lương là nỗ lực rất lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và phương án đề xuất tăng lương của Chính phủ là phương án tối ưu. Đồng chí đánh giá cao sự quyết tâm của Bộ Nội vụ là cơ quan trình và thiết kế các phương án để thực hiện được Nghị quyết của Quốc hội. Đồng chí đề nghị với các vị đại biểu Quốc hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là tuyên truyền ngay trong các hội nghị tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 7 để tạo sự đồng thuận và phấn khởi trong bối cảnh nước ta sau đại dịch, nền kinh tế Thế giới ảm đạm, chiến sự ngày càng khốc liệt nhưng Việt nam tăng lương với một tỷ lệ như vậy cũng là một sự nỗ lực rất lớn của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ.
Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng CTQH
Đang truy cập: 3
Hôm nay: 64
Tổng lượt truy cập: 427847