Main
Thứ năm, ngày 21/11/2024

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 01/11/2022

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, ngày 31/10/2022, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Ảnh: Quang cảnh kỳ họp

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình thống nhất cao với Báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát. Đại biểu tin tưởng với quyết tâm chính trị của Quốc hội, Chính phủ, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian tới sẽ được thực hiện có hiệu quả. 

Theo đại biểu, trong báo cáo đã chỉ rất rõ số lượng, diện tích đất chưa sử dụng để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương. Tuy nhiên, trong báo cáo chưa làm rõ nguyên nhân của hạn chế này và không có kiến nghị giải pháp để khắc phục. Vì vậy, đại biểu đề nghị Đoàn giám sát bổ sung đánh giá nguyên nhân của hạn chế trên, trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan để xảy ra những lãng phí đó và đưa ra kiến nghị giải pháp khắc phục một cách có hiệu quả hạn chế này.

Ảnh: Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội trường

Về việc sắp xếp tinh gọn bộ máy quản lý biên chế trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong thực tiễn thi hành về lĩnh vực này có một số khó khăn, vướng mắc. Đại biểu nêu ví dụ: đối với lĩnh vực y tế phải thực hiện cắt giảm 10% biên chế trong khi nhân lực ngành y tế đang thiếu và nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tăng, đòi hỏi nhân lực y tế phải tăng mới đáp ứng được yêu cầu. Đối với lĩnh vực giáo dục, do số học sinh tăng mạnh, ở cấp mầm non và tiểu học dẫn đến thiếu lớp và thiếu giáo viên đứng lớp, do đó gặp nhiều áp lực trong sắp xếp trường, lớp. Việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu vị trí việc làm, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập chậm triển khai do chưa có văn bản hướng dẫn. Việc triển khai thực hiện Nghị định số 120 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập còn gặp khó khăn do chưa ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp cơ bản thiết yếu trong từng ngành, lĩnh vực. Đại biểu đề nghị trong báo cáo cần bổ sung, phân tích sâu hơn về những khó khăn, vướng mắc trên. 

Về chính sách cán bộ, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng hiện nay vẫn còn những bất cập, chưa khuyến khích được cán bộ phát huy hết năng lực, tâm huyết với công việc. Tình trạng thiếu hụt cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục và cán bộ kỹ thuật trong lĩnh vực chuyên ngành của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước nên đã ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất lao động. Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ có những giải pháp căn cơ cụ thể để giải quyết những bất cập, tồn tại trên, nhất là việc giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục và có cơ chế, chính sách riêng, đặc thù về chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế, giáo dục. 

Về đề xuất sửa đổi Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu đề nghị khi sửa đổi luật cần quan tâm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung như xác định trách nhiệm của những người đứng đầu trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống lãng phí, có cơ chế huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí…

 

Tác giả bài viết: Phòng TTDN

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 57

Hôm nay: 165

Tổng lượt truy cập: 435392