Main
Thứ ba, ngày 22/10/2024

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại hội trường về dự án luật Nhà ở (sửa đổi)

Thứ ba, 20/06/2023

Trong ngày làm việc đầu tiên đợt 2 của kỳ họp thứ 5, sáng ngày 19/6/2023, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Tham gia phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cơ bản nhất trí với dự thảo Luật, nhất trí và đánh giá cao báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật. Để hoàn thiện dự thảo, đại biểu đề nghị đối với chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở (quy định tại Điều 6), ngoài 7 nhóm chính sách phát triển và quản lý sử dụng nhà ở quy định như dự thảo Luật, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định bổ sung thêm chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phù hợp với mục tiêu, chính sách hỗ trợ, phát triển nhà ở cho người dân đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được xác định trong Nghị quyết số 88, Quốc hội khoá XIV và Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó cũng cần nghiên cứu xem xét vấn đề bảo đảm quyền có nơi ở đối với người vô gia cư.

Về Chương trình phát triển nhà cấp tỉnh, đại biểu đề nghị sau khi Chương trình, kế hoạch được phê duyệt phải thực hiện công khai rộng rãi cũng như quy định cụ thể các phương thức công khai để mọi cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp biết để thực hiện đảm bảo đúng, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt.

Về vấn đề phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp, đại biểu cho đây là nhu cầu bức thiết hiện nay và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã xác định “Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp theo hướng ưu tiên bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở cho công nhân và các thiết chế khác trong khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng thiết yếu của khu công nghiệp”.

Để thể chế hóa chủ trương xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trong Nghị quyết số 06, Dự thảo luật đã quy định loại hình nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp. Theo đó tại khoản 9 Điều 3 dự thảo Luật xác định “Nhà lưu trú công nhân là công trình xây dựng được đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất dịch vụ thuộc phạm vi khu công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế để bố trí cho công nhân, người lao động thuê lưu trú trong thời gian làm việc tại khu công nghiệp đó theo quy định của Luật này.” Tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 89 dự thảo Luật quy định về việc xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; tại điểm c khoản 2 Điều 92 của dự thảo Luật quy định về yêu cầu đối với dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Đại biểu cho biết, việc quy định loại hình nhà lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp như dự thảo trình là không phù hợp, không đảm bảo tính chặt chẽ, khoa học. Và loại hình này không thể coi là nhà ở công nhân được, vì về nguyên tắc nhà ở xã hội hay bất kỳ loại nhà ở nào đều phải xây dựng trên đất ở; công trình trên đất dịch vụ, trong khu công nghiệp không thể coi là nhà ở. Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật cư trú năm 2020 xác định “Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày”. Như vậy, thì việc lưu trú có tính chất kém ổn định hơn nhiều so với ở", đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhấn mạnh.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định này để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về chính sách đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong khu công nghiệp đảm bảo đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt ổn định của công nhân và tính thống nhất đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan. Theo đại biểu, dự thảo nên quy định vấn đề này theo hướng: UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định nhu cầu xây dựng khu nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động làm việc trong khu công nghiệp để tích hợp vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, nông thôn, thống nhất với quy định tại khoản 10 Điều 197 của dự thảo Luật đất đai sửa đổi. Theo đó, UBND cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất phù hợp để xây dựng nhà ở cho công nhân, bảo đảm quyền lợi của công nhân khu công nghiệp theo chủ trương, đường lối của Đảng.

Trong phiên làm việc chiều 19/6/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2021; biểu quyết thông qua Luật Giá (sửa đổi) và thảo luận ở tổ về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)./.

Tác giả bài viết: Vân Giang - Phòng CTQH

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 3

Hôm nay: 39

Tổng lượt truy cập: 429661