Main
Chủ nhật, ngày 08/09/2024

Đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia thảo luận tại Hội trưởng về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Thứ tư, 26/06/2024

Sáng ngày 26/6/2024, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận được truyền hình trực tiếp trên truyền hình Quốc hội Việt Nam, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao với sự cần thiết việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa với các lý do như Tờ trình của Chính phủ và đánh giá cao sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo cũng như sự thẩm tra chặt chẽ, kỹ lưỡng của Ủy ban văn hóa, giáo dục. Để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia góp ý ba nội dung: Về quy định chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa (Điều 7); Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền (Điều 17); Về quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý di sản văn hóa trong dự thảo.   

Về quy định chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa: Đại biểu cho rằng dự thảo Luật kế thừa nhiều chính sách tại Luật Di sản văn hóa hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định như: Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; cơ chế đầu tư, bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; chính sách xã hội hóa bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, để thể chế hóa đầy đủ hơn các chủ trương, chính sách trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng (Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Nghị quyết số 33 của BCH TW khóa 11 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4...). Đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, nghiên cứu bổ sung trong Điều 7 dự thảo Luật các nội dung liên quan đến chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số về văn hóa, số hóa di sản văn hóa; hợp tác công tư về phát triển văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực đầu tư cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị và sáng tạo nên các di sản văn hóa mới...

Về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền: Đại biểu cho rằng các quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một thất truyền trong Điều 17 cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung một số quy định để tăng cường hiệu quả bảo vệ như: Quy định cụ thể hơn về xác định di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, thất truyền; có biện pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho các di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một thất truyền; khuyến khích cộng đồng tham gia vào công tác bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một thất truyền.

Về quy định một số nội dung liên quan đến công tác quản lý di sản văn hóa: Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát nghiên cứu để có những quy định phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi khi triển khai thi hành Luật, đồng thời quy định theo hướng tăng cường phân cấp trong việc quản lý di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt và di sản thế giới nằm trên địa bàn địa phương. Bộ, ngành trung ương và Chính phủ chỉ thẩm định, phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo quản tu bổ di tích (Quốc gia, Quốc gia đặc biệt và Di sản Thế giới), phần nội dung thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án tu bổ phù hợp với quy hoạch thì phân cấp cho địa phương; đối với các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh trong các khu vực dân cư tập trung; các dự án phát triển kinh tế - xã hội nằm trong quy hoạch chung, quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (không nằm trong khu vực bảo vệ đặc biệt nghiêm ngặt), việc lập, điều chỉnh dự án đề nghị giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được tổ chức thẩm định và phê duyệt nhằm tăng cường tính chủ động và trách nhiệm của địa phương...

Tác giả bài viết: Vân Giang, Phòng CTQH

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 15

Hôm nay: 94

Tổng lượt truy cập: 424324